Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Khiêm tốn

Theo dõi diễn tiến hội thảo về “An ninh hàng hải ở biển đông” do CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế) tổ chức, tôi có phần thất vọng với … phe ta.
Hôm qua, tôi bỏ ra cả giờ đồng hồ theo dõi hội thảo “Maritime Security in the South China Sea” do CSIS tổ chức.  Tôi đặc biệt theo dõi bài nói chuyện của TNS John McCain.  Trong bài nói chuyện, ông bắt đầu một cách ý nhị bằng cách kể chuyện ông đi thăm Miến Điện, những xa lộ 18 lằn xe mà chẳng có xe nào đi (ngoại trừ xe của ông), rồi mới vào chủ đề chính là sự bất ổn ở biển đông.  Ông nói thằng Trung Quốc là thủ phạm gây nên bất ổn, qua những hành động hiếu chiến và khủng bố gần đây.  Ông nói như tát vào mặt Trung Quốc rằng những yêu sách đường lưỡi bò là vô lí, bất hợp pháp: “các tuyên bố mở rộng chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Đông; các lý do căn bản cung cấp cho các tuyên bố này, không có cơ sở luật pháp quốc tế; và những hành động ngày càng quyết đoán mà Trung Quốc đang thực hiện để thực thi các quyền tự nhận của họ, gồm cả vùng biển trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây trong các sự cố riêng biệt liên quan đến Việt Nam và Philippines.”  Nghe cứ như là nhạc! Việt Nam chúng ta đã nói điều này rất lâu, nhưng phải là lời nói từ McCain thì dễ gây chú ý và nó cũng nặng kí hơn ASEAN nói.
Cũng như bất cứ hội nghị nào ở phương Tây, sau mỗi bài nói chuyện là phần hỏi và trả lời.  Tôi chú ý phần này vì đây là những trao đổi có khi rất sống động và thật.  Từng làm chair trong hội nghị, tôi biết những buổi vấn đáp như thế này sống động như thế nào.  Trong phần vấn đáp sau bài của McCain, có chừng 10 câu hỏi.  Nhưng phần lớn xuất từ Mĩ, Trung Quốc và vài người trong khối ASEAN.  Buồn cười nhất câu hỏi của cô Tàu hỏi ông McCain là ông có những lời khuyên cho Mĩ, vậy ông có lời khuyên nào cho Trung Quốc hay không!  Còn một ý kiến của anh Tàu thì có lẽ không có ý kiến chắc hay hơn.  Ông McCain lịch sự trả lời từng câu.  Cũng có khi ông hội ý khoảng 2 giây với chủ tọa về câu hỏi của anh Tàu (có lẽ vì tiếng Anh của anh Tàu quá kém nên ông McCain muốn hỏi chủ tọa xem ông ta nói gì).  Nói chung tôi nghĩ buổi chất vấn tương đối có chất lượng.
Điều làm tôi ngạc nhiên là không có ý kiến từ phái đoàn Việt Nam.  Hoàn toàn không.  Đây là điều hơi lạ lùng, bởi vì trong bài nói chuyện, ông McCain nhắc đến Việt Nam khá nhiều lần và thậm chí còn có những câu chữ có thể nói là “đưa tay ra bắt tay Việt Nam”. Những gì ông ấy nói hoàn toàn có lợi cho Việt Nam (và bất lợi cho bọn Trung Quốc).  Ấy thế mà những người đại diện Việt Nam không hề đặt một câu hỏi, không hề có một bình luận, không hề nêu một ý kiến!  May thay, có một vị phụ nữ Việt (chắc là đang ở Mĩ) đứng lên phát biểu và đặt câu hỏi.  Chị ấy hoan hô McCain (khi ông nói rằng nhân quyền là một yếu tố rất quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mĩ), và có một đề nghị thú vị: đổi tên biển “South China Sea” thành “Southeast Asian Sea”. Cử tọa cười và ông McCain nói “Good idea” (ý tưởng hay).  Tôi cũng nghĩ ý tưởng rất hay.  Sau đó chị ấy đặt vài câu hỏi cũng thú vị.  Chị này rõ ràng là người quen với hội nghị quốc tế, tuy cách đặt câu hỏi có vẻ dài dòng. Nói gì thì nói, may mắn là trong khi phái đoàn Việt Nam kín miệng thì có một người Việt Nam mở miệng nói và nói cũng hay.
Sự khiêm tốn của phái đoàn Việt Nam rất khó giải thích.  Bay cả 24 giờ từ Hà Nội (?) sang Washington, tốn vài chục ngàn đôla (tức có thể cả tỉ đồng), đất nước đang đứng trước sự đe dọa của kẻ thù, được người ta bênh vực, mà không hề có một chữ để đáp lại.  Tốn tiền nhiều mà không có chữ nào (ngoại trừ bài nói chuyện mà tôi chưa đọc và chưa đuợc xem qua) thì thật là phí quá.  Ở nhóm của tôi, một qui tắc bất thành văn là khi nghiên cứu sinh đi dự hội nghị quốc tế, họ phải có đóng góp dưới hình thức bài báo và nêu ý kiến hay câu hỏi; không làm được điều này chúng tôi cho là phí tiền và lần sau khó có cơ hội đi dự hội nghị.  Đi dự hội nghị không chỉ là “đem chuông đi đấm xứ người”, mà còn là nâng cao sự hiện diện của hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế, chứ đâu phải chỉ đọc báo cáo.  Không thể khiêm tốn như thế được!  Tại sao Philippines họ có ý kiến mà Việt Nam chẳng có ý kiến nào?
Tôi tự hỏi tại sao những người đại diện VN trong hội nghị khiêm tốn như thế.  Tôi nghĩ đến những lí do như:
(a) không có ý gì để hỏi;
    (b) không hiểu được ý của McCain;
      (c) thiếu thông tin, nên chẳng biết gì để nói;
        (d) thẹn thùng, chưa quen với văn hóa hội nghị quốc tế;
          (e) phải chờ xin ý kiến cấp trên, vì sợ nói ra ý gì không hợp với cấp trên;
            (f) kém tiếng Anh nên thiếu tự tin trong khi phát biểu; và 

              (g) tất cả những lí do trên.
                Lí do (a) thì không thể đúng, bởi vì chắc chắn phía Việt Nam có nhiều ý để bàn.  Lí do (b) thì chưa biết ra sao, vì hiểu cũng đòi hỏi kĩ năng ngôn ngữ.  Lí do (c) thì có thể (chỉ “có thể” thôi), vì cán bộ chỉ tiếp thu thông tin một chiều, nên khi đương đầu với rừng thông tin trong hội nghị họ trở nên lúng túng. Lí do (d) thì sai, vì cán bộ ngoại giao chắc chắn là quen với chuyện ăn nói hay đi dự hội nghị nhiều lần.  Lí do (e) rất có thể, do ai cũng sợ mất chức nên thà im lặng chứ nói ra mà không đúng ý cấp trên thì … rất mệt khi về nhà. :-).  Lí do (f) cũng rất có thể, vì nghe qua các vị ấy nói tiếng Anh rất khó hiểu.  Ngay cả xem qua cái video của người đứng đầu tòa đại sứ VN tại Washington trả lời phỏng vấn, tôi thấy rất khó nghe và đơn điệu, không như cách trả lời rất engaged và rất lively của bà Tôn Nữ Thị Ninh.
                Thật ra, đây không phải là lần đầu các nhà ngoại giao Việt Nam “khiêm tốn” trên trường quốc tế.  Trước đây cũng có vài diễn đàn ở ASEAN mà trong đó phía VN ít khi phát biểu gì.  Ngay cả bên cạnh bà Hillary Clinton “miệng lưỡi” hùng hồn, người đứng đầu ngoại giao Việt Nam cũng rất … ít nói.  Mới đây nhất, trong một hội nghị của các tổ chức xã hội dân sự ASEAN ở Jakarta (Indonesia), phái đoàn Việt Nam cũng có hành động khiếm nhã.  Khi một diễn giả nói về tình trạng nhân quyền (hay gì đó?) không mấy tốt ở Việt Nam, một thành viên trong phái đoàn Việt Nam lấy muỗng gõ vào tách cà phê để làm át tiếng nói người phát biểu.  Thật là một thái độ lạ lùng, không văn minh chút nào.  Tại sao không thảo luận bằng ngôn ngữ mà lại làm trò như thế?  Thật không thê nào hiểu nổi trong đầu họ nghĩ gì.  Không thể nào mang tiếng đại diện Việt Nam mà lại làm mất thể diện quốc gia như thế.
                Nguyên tắc của tôi là mỗi khi mình đi đâu ở nước ngoài mình phải là để ý đến thể diện Việt Nam.  Dù tôi không còn mang quốc tịch Việt Nam nữa, nhưng với cái họ gắn liền với Việt Nam, nên khi đi công tác nước ngoài, tôi luôn nhìn trước xem sau mình nói và làm có gì ảnh hưởng tiêu cực đến nước Việt Nam hay không.  Ngay cả nghiên cứu sinh của tôi, tôi cũng nói như thế: làm gì cũng phải nghĩ đến Việt Nam, chí ít mỗi người là một "đại sứ lưu động".  Do đó, tôi nghĩ trách nhiệm và nghĩa vụ của một người chính thức đại diện Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế phải rất cao, và người dân hoàn toàn có quyền kì vọng họ phải là những người có tài, uyên bác, và hành xử lịch thiệp.  Không có những attributes đó thì không nên đại diện Việt Nam.  Không có lí do gì phải khiêm tốn trước kẻ thù hung hãn khi mình có chính nghĩa.  Chẳng có lí do gì phải tiết kiệm lời nói để không đóng góp vào tranh luận trong một diễn đàn quan trọng như diễn đàn An ninh hàng hải ở biển đông vừa qua.
                Theo nguyenvantuan.net

                Ghi vội từ Trung Quốc (Phần 2)

                Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của hội thảo. Buổi sáng, tôi tỉnh từ 5 giờ vì vẫn còn bị lệch giờ với Mỹ. Kéo rèm cửa sổ nhìn ra, bên ngoài trời đã hửng sáng nhưng vẫn không có mặt trời. Bên dưới đường, mặt đất ẩm ướt; có nhiều người đi tập thể dục sớm – họ cũng mặc áo may-ô, quần cộc, đi giày ba-ta, vừa đi dọc các vỉa hè vừa vẩy tay theo lối tập dịch cân kinh mà nhiều người tập thể dục buổi sớm ở HN cũng hay tập. Nhìn thấy thế, tôi lại nghĩ: người dân ở đâu thì cũng như nhau – chủ yếu vẫn chỉ muốn no ấm, khỏe mạnh, nuôi con cái học hành nên người. Rồi lại nghĩ: nhưng không ai được chọn tổ quốc mà mình sinh ra, và số phận của một người không bao giờ có thể tách rời hoàn toàn số phận của tổ quốc họ, dân tộc họ.
                Chúng tôi ăn sáng trong khách sạn rồi cùng lên xe ô tô tới đại học Đông Á, nơi tổ chức hội thảo. Bên trong sảnh, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là hai dãy bàn lớn bày sách giáo khoa ngành công tác xã hội mà trường Đông Á đã in. Các sách này có một phần là sách của các tác giả Trung Quốc; phần lớn còn lại là sách dịch từ tiếng Anh hoặc sách mà một tác giả Trung Quốc là đồng tác giả với tác giả nước ngoài. Chỉ nhìn thì biết là họ chọn sách rất kỹ và tương đối tốt; ví dụ như sách về family therapy thì dùng của Michael Nichols và Minuchin. Tôi hỏi họ sách này của trường in bằng quy trình và kinh phí như thế nào thì những sinh viên đứng giúp việc bán sách ở đó không biết tiếng Anh đủ để trả lời; tôi rất tò mò vì nhìn vào bìa sách thì có thể suy đoán là dường như trường Đông Á đã lên một kế hoạch đầy đủ về một bộ sách tổng thể mà họ cần dịch, rồi tiến hành dịch và in sách để bán cho sinh viên chứ không dựa vào các nỗ lực manh mún của từng người dịch. Ở VN, điều này chưa xảy ra. Cái mơ ước của tôi cho đến gần đây vẫn là làm thế nào để ra được một bộ sách giáo khoa tương đối chuẩn về ngành CTXH cho sinh viên VN vì số sách hiện có về ngành này ở VN có thể đếm trên đầu ngón tay và chất lượng thấp. Hiện tại, một nhóm giáo viên và sinh viên CTXH mà tôi tham gia đang bắt tay dịch thử một vài cuốn sách mặc dù chưa rõ đầu ra. Việc dịch sách giáo khoa ở VN rất khó: những cá nhân như tôi, dù muốn, không thể đứng ra in sách mà cần phải có một NXB nào đó đứng ra đại diện mua bản quyền. Nhưng các NXB hầu như không muốn làm sách giáo khoa dịch từ nước ngoài vì khó có lãi và mất công. Giá có ai tài trợ cho chúng tôi làm một bộ sách chuẩn thì tốt.
                Dĩ nhiên TQ đã bắt đầu phát triển ngành CTXH trước chúng ta khoảng gần 2 thập kỷ. Năm 1978, họ đã phê duyệt việc đào tạo cử nhân về CTXH và đến năm 2010, họ có 200 chương trình cử nhân, 58 chương trình thạc sỹ; mỗi năm đào tạo ra 50 ngàn cử nhân và 15 ngàn thạc sỹ. Chính phủ TQ đặt kế hoạch là đến năm 2020, họ sẽ có 3 triệu nhân viên CTXH. Tuy thế, đây cũng là một dạng quyết định duy ý chí khác. Giáo sư X ở Anh ngồi cạnh tôi trong hội nghị đã có nhiều năm làm việc với TQ; ông nói, chương trình của TQ thực sự là tồi tệ; bởi vì giáo viên không được đào tạo về CTXH lại đi dạy sinh viên; và sinh viên thì hầu như không có thực hành; ra trường rồi ngơ ngơ ngác ngác. Tình trạng này có vẻ không xa lạ. Ở VN bây giờ, chúng ta cũng đang đối mặt với chính những nguy cơ này.
                Chúng tôi bắt đầu họp lúc 8 giờ sáng. Trường Đông Á là một trường nhỏ mặc dù khoa CTXH của nó được đánh giá là một trong những khoa rất tốt ở TQ. Xem cách họ tổ chức hội thảo này và cách phát biểu khai mạc của các vị chức sắc trong trường thì thấy người TQ đã tiến hơn VN một bước trong văn hóa họp hành. Họ đã biết học người Mỹ và châu Âu ở chỗ đi thẳng vào vấn đề, nói ngắn gọn, có trọng điểm, theo đúng giờ và chương trình, rồi rút lui. Không trình bày lan man, chung chung, nghe phát chán vì chẳng hiểu người nói nói gì như tôi đã nhiều lần chứng kiến ở VN. Tuy thế, đến phần hỏi đáp, tôi thấy sinh viên TQ và cả cán bộ TQ giống hệt người VN ở chỗ hỏi chủ tọa chủ yếu để thể hiện, và cũng kính thưa kính gửi một cách hết sức dài dòng, e dè. Các câu hỏi được đặt ra đều là những câu hỏi hết sức thông thường theo cái lối không lo lắng về ý tưởng, vấn đề, khoa học, mà thường lo lắng về con người, quan hệ, thể chế, chuyện bên lề. Đấy là những cách tiếp cận vấn đề hết sức phí phạm; nhưng chuyện này nói ra thì dài.
                Buổi chiều, hội thảo bắt đầu chia các phiên họp riêng theo lĩnh vực. Tôi ngồi ở phòng hội thảo về phúc lợi trẻ em và gia đình. Có hai giáo sư – một của Trung Quốc, một của Hồng Kông – trình bày về hai vấn đề gần nhau nhưng không trùng nhau là “child abuse” và “child victimization”. Người thứ nhất là một giáo sư trong biên chế của nền giáo dục TQ và người này nói rằng tỷ lệ child abuse ở TQ là 5%; người thứ hai làm một nghiên cứu độc lập theo lối phương Tây và kết luận rằng child maltreatment ở TQ lên tới 28%, riêng sexual victimization là 8%. Hai báo cáo hoàn toàn không liên quan và khi tôi hỏi họ về sự bất đồng các con số và cách họ đo “child abuse” trong cái báo cáo thứ nhất thì câu trả lời đưa ra không nêu rõ nguồn số liệu và cách đo. Tôi rất tò mò muốn biết là TQ đã làm một điều tra toàn quốc nào về vấn đề này chưa, nhất là với lạm dụng tình dục trẻ em. Việt Nam cũng chưa có con số thống kê chính thức về các vấn đề này, nhất là đối với lạm dụng tình dục. Bản thân diễn ngôn về các vấn đề này cũng đang trong giai đoạn hình thành và xã hội hóa (đây đủ là một đề tài khoa học hết sức hay).
                Có một bài trình bày đáng chú ý là bài của nhóm tác giả ở ĐH North Carolina về việc ứng dụng một mô hình đào tạo các kỹ năng xã hội-tình cảm cho trẻ em Mỹ vào Trung Quốc. Một bài khác nói về kỹ năng phỏng vấn trẻ em từng bị lạm dụng tình dục. Đối với VN bây giờ, đào tạo kỹ năng và thực hành có lẽ là điều cần hơn cả. Triết lý, lí luận thì người VN có lẽ còn giỏi hơn người các nước; chúng ta phê chuẩn và có đủ loại văn bản đảm bảo phúc lợi trẻ em và gia đình nhưng việc thực hành thì hầu như rất yếu bởi vì thiếu kỹ năng. Tôi nghĩ từ lâu, nếu về nông thôn giảng giải cho người dân về việc không được bạo hành gia đình thì còn lâu mới giải quyết được vấn đề; nhưng nếu dạy cho phụ nữ các kỹ năng đối phó với cơn giận của chồng, hoặc dạy các ông chồng cách quản lý cơn giận, vv… thì có thể xoay chuyển tình thế tốt hơn. Hiện tại, theo các thống kê khác nhau, cứ 2 đến 3 người phụ nữ VN thì có 1 người từng chịu bạo hành gia đình trong cuộc đời họ - bao gồm cả bạo hành thể chất và tinh thần.
                Buổi tối có chiêu đãi ở một nhà hàng. Có mấy phòng ăn khác nhau và người nước ngoài nói chung ngồi với người nước ngoài, người TQ ngồi với người TQ, cán bộ to ngồi với nhau, và sinh viên ngồi với sinh viên. Sau một hồi, tôi thấy các lãnh đạo TQ, được tháp tùng bởi cấp dưới, cũng lần lượt đi từng bàn chúc rượu, và uống hết chén này tới chén khác, mặt mũi đỏ văng và có người ngà ngà say. Không khác gì Việt Nam.
                Trong ngày hôm nay, cái ý nghĩ lớn nhất của tôi – và không phải một ý nghĩ vui vẻ gì – là sự giống nhau quá mức giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc. Ngoại trừ ngôn ngữ, cách chúng ta ăn mặc, hành xử, suy nghĩ, vv… quá giống người TQ (hoặc là người TQ quá giống ta?). Điều này bản thân nó không phải là một điều xấu tự thân nếu những cái giống đó là những mẫu số chung của một đời sống con người tối ưu; nhưng ở đây có vẻ không phải như vậy. Tôi chưa có thời gian nghĩ kỹ về vấn đề này, chỉ cảm thấy nó hết sức không ổn. Nếu như VN, với tư cách là một dân tộc, muốn có một vị trí và bộ mặt riêng biệt trên thế giới, thì chúng ta phải “thoát TQ” một cách triệt để. Nó không khác gì, làm người phải có tính cách riêng, nhân cách riêng, suy nghĩ riêng; không nên là bản sao bất tự giác của ai khác.
                (những ghi chép trên đều là ghi nháp trong ngày)
                (Theo Blog nhà văn Phan Việt)

                Ghi vội từ Trung Quốc (Phần 1)

                Bây giờ là buổi tối ở Thượng Hải. Trời đang mưa, nhiệt độ khoảng 30 độ C, cũng nóng ẩm như ở VN. Chiều nay, khi tôi đến, trời không mưa nhưng không hề nhìn thấy mặt trời. Cả thành phố ở dưới một màn mây màu xám do khói bụi kết lại; không khí lúc nào cũng như phủ sương mù. Tuy thế, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay Pudong, tôi lập tức nhận ra Thượng Hải là một thành phố có định hướng quốc tế rất rõ ràng. Những người quy hoạch cho thành phố này có vẻ có ý thức rất rõ việc biến nó thành một trung tâm quốc tế trước hết là ở châu Á và sau đó là cả thế giới. Từ sân bay đồ sộ và hiện đại, tới đường cao tốc nhiều làn, có kẻ biển hiệu giống hệt ở Mỹ, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, tới những thứ nho nhỏ như việc người ta cử người xếp các xe đẩy hành lý trong sân bay thành một hàng một trên vỉa hè để cho hành khách có thể dễ dàng lấy xe... Những cái đó thể hiện một tinh thần hướng vào dịch vụ, tiện nghi, hướng vào việc thỏa mãn khách hàng ở mức phổ quát nhất và quốc tế nhất.

                Không kể lần đi Hồng Kong năm ngoái thì đây là lần đầu tôi tới Trung Quốc - để dự một hội thảo quốc tế về công tác xã hội và chính sách xã hội mà tôi có một bài thuyết trình, đồng thời là một thành viên của ban tổ chức từ phía Hội những người giảng dạy CTXH châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo này có nhiều bên đồng tổ chức - trường đại học Đông Á ở Thượng Hải, Hội những người giảng dạy CTXH nói trên, Đại học New York, Humboldt Foundation của Đức, và Vụ các vấn đề xã hội của Thượng Hải. Về cơ bản thì phần nội dung là do bên Hội tổ chức; các thành phần còn lại hỗ trợ về mặt kinh phí và hậu cần. Đặc biệt, sự tham gia của ĐH New York nằm trong chiến lược mở một chi nhánh của ĐH New York tại Thượng Hải nhằm đặt một tiền đồn cho thị trường TQ và châu Á - giống như họ đã mở một campus ở Abu Dhabi để đặt một tiền đồn ở khối các nước nói tiếng Ả rập. Theo dự kiến, năm 2013, tức là chỉ 2 năm nữa, campus ở Thượng Hải sẽ khai giảng khóa đầu tiên. Trong vòng một năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho Đại học San Jose và triển khai khóa học mùa hè về CTXH cho sinh viên Mỹ tại Việt Nam, tôi nhận thấy rất rõ cái thế của TQ trong thị trường giáo dục Mỹ. Ở Mỹ hiện tại, trong hầu hết các trường đại học, "châu Á" về cơ bản được hiểu là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Các khoa ngôn ngữ và văn minh châu Á chủ yếu dạy tiếng, văn hóa, lịch sử, vv... về các nước này; toàn bộ phần còn lại của châu Á gần như bị bỏ không.
                Từ sân bay về khách sạn mất 40 phút. Đường cao tốc từ sân bay vào thành phố 4-5 làn, xây hiện đại không khác gì ở Mỹ, và xe chạy tương đối quy củ, chắc chắn là hơn hẳn VN. Giá đi taxi ở đây có vẻ cũng rẻ hơn ở Hà Nội. Tôi check-in vào khách sạn, và lập tức được yêu cầu phải trả trước toàn bộ tiền phòng cho 3 tối, cộng với 100 đô la đảm bảo. Mà đây là khách sạn chính thức của hội thảo. Cái tâm lý “ăn chắc mặt bền”, không tin người và luôn đề phòng thủ lợi cho mình trước là một tâm lý rất đáng buồn ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt này, tôi buộc phải nói rằng ở Mỹ sống dễ hơn rất nhiều vì không phải nhìn trước ngó sau, không phải suy đoán xem người ta có đang lừa mình không. Bản thân luật và các dịch vụ ở Mỹ cũng thế: hầu hết dựa trên mặc định rằng đa số người ta là tốt và trung thực (hoặc muốn được sống trung thực), phần không trung thực là rất nhỏ; cho nên không nên vì đề phòng phần không trung thực mà tạo ra các loại cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa, tra xét rất tốn thời gian và tốn tiền, lại không tôn trọng con người. Cho nên, ở Mỹ, bạn không phải đi xin xác nhận của phường hay của bất cứ ai khi đi đăng ký kết hôn, chỉ cần cái cam kết và chữ ký của chính bạn là đủ. Người Mỹ “thực dụng” thực sự chính là ở những chỗ như thế này: với họ, tính về hiệu quả kinh tế, tin tưởng lẫn nhau thực ra có lợi hơn là đề phòng và tạo các cơ chế kiểm soát mà theo đó ngầm mặc định sự thấp kém của con người.
                Phòng khách sạn có internet nhưng không vào được Facebook, Blogspot và nhiều trang khác vì tường lửa. Google và nhiều trang nghiễm nhiên chuyển sang tiếng Trung. Cái cảm giác bị quản lý và theo dõi ở đây rất rõ và lộ liễu. Tôi lập tức thấy mình cảnh giác – nên không vào banking online và hạn chế luôn cả việc vào Internet.
                Buổi tối, tôi bắt taxi chạy vào khu trung tâm thành phố. Tính về mức độ sầm uất, mật độ nhà chọc trời, sự phong phú của hàng hóa thì Thượng Hải còn hơn các thành phố lớn của Mỹ và châu Âu. Nhưng xét về mặt dịch vụ và văn minh thì còn một khoảng cách lớn. Một ví dụ đơn giản là việc nhân viên phục vụ nhà hàng ở đây không hề quán xuyến khách – mà cứ phải để khách phải gọi. Một ví dụ khác là việc khi bạn đứng chụp ảnh thì những người đi qua đi lại không hề có ý thức tránh ra giúp bạn; họ cứ thản nhiên đi ngang qua màn hình hoặc thậm chí đứng lại nhìn; hoặc chen ngang chặn trước mặt bạn. Văn minh và sự quý trọng con người phải đến từ hai thứ - một là cái triết lý sống sâu xa của xã hội đó, và hai là quá trình thực hành thói quen sống văn minh. Tôi nhớ hồi năm ngoái, khi bố tôi sang Chicago thăm tôi, sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ trên mấy con đường quanh nhà, và cụ cứ tấm tắc (gần như kinh ngạc) một việc là khi cụ đi bộ trên vỉa hè, thì những người đi ngược chiều với cụ lập tức tránh qua bên kia từ xa để nhường đường cho cụ, hoặc nếu họ dắt chó thì họ lập tức đứng lại, ghìm dây chó thật chắc và mỉm cười chào cụ, chờ cụ đi qua xong họ mới đi tiếp. Hoặc cụ cứ tấm tắc là khi chúng tôi đi chơi, thì những người đi qua nhìn thấy tôi chụp ảnh cho bố mẹ tôi là họ tươi cười hỏi "Các bạn có muốn tôi chụp cho cả ba người hay không?".
                Đồ ăn ở Thượng Hải nhiều dầu mỡ xào nấu, hầu như chỉ có vị của đồ nêm, không còn có vị nguyên chất của thực phẩm. Ít rau, nhiều thịt, và tương đối cay. Có lẽ vì thế mà người Thượng Hải không đẹp – họ nặng nề, các nét thô, xương to, da thô; cả một ngày, tôi không gặp một cô gái nào mà tôi thấy là đẹp. Ở Hà Nội, mật độ này dày. Bạn tôi nói người Bắc Kinh đẹp hơn.
                Trước khi đi ngủ, tôi mở vô tuyến xem truyền hình của TQ. Trong một chương trình gì đó có vẻ là thời sự, người dẫn chương trình đang nói chuyện bàn tròn với hai người đàn ông khác có vẻ là chính trị gia; họ chiếu nhiều hình ảnh hải quân và tàu trên biển – chắc chắn là đang nói về Biển Đông. Trong một chương trình ca nhạc khác, một cô bé khoảng 3 tuổi, mặc quân phục trắng của quân đội, đội mũ quân đội đang cầm một chiếc micro rất to hát sang sảng một bài gì đó chắc chắn nói về tình yêu nước hay tinh thần cách mạng hay cái gì đó đại loại như vậy. Cô bé quắc mắc, giơ nắm đấm lên cao. Khán giả vỗ tay vang dội. Tôi nghe cái âm sang sảng và những tiếng rin rít trầm bổng của thứ tiếng Tàu được phát âm với nhiều cảm xúc mà không khỏi nghĩ đất nước này là một khối tham vọng khẳng định bản thân khổng lồ, kể từ trong cái khí độ của ngôn ngữ trở đi. Bất kể cái tham vọng khẳng định đó có hình thù cụ thể là gì thì cái khối 1 tỷ người khổng lồ này, dưới sự định hướng của chính quyền TQ hiện tại, có vẻ đang rất cần giải tỏa, khai thông nó để tránh làm cơ thể Trung Hoa suy nhược do bế khí. Ở cạnh một khối khí aggressive đang cần khai thông như thế thì không thể nào lơ là việc tập luyện cho mình khỏe lên, lành mạnh lên, vững vàng lên.
                (Theo Blog nhà văn Phan Việt)

                Copy từ Blog Doãn Dũng

                Tự nhiên muốn viết một tí nhố nhăng.
                 Tự nhiên nghĩ đến chuyện tì sớ.
                 Tì sớ thì mòn vân tay, nhưng lần đầu rất nhắng nhít.
                 Năm 1989, mình bộ đội, chưa yêu. Gái hơn mình 2 tuổi, đã có người yêu, sinh viên trường nọ.
                 Mình với Gái là bạn, thân thiết và vô tư, mày tao chí tớ ùm xọe. Gái ở nội trú, còn mình mỗi dịp về HN là lượn vào chỗ Gái. Tất nhiên là chỉ ở nhờ kí túc xá ấy thôi, với các bạn trai, bạn học cũ của mình lại là bạn cùng khóa của Gái.
                 Chơi dắt dây mà Gái cũng thương như mấy bạn học, tức là thỉnh thoảng cho ít tiền mua thuốc lào, lúc rủng rỉnh mới được bà bô viện trợ thì hào phóng dâng hiến bát phở hay cốc chè đỗ đen.
                 Gái cao hơn mình, tóc dầy và đen, hơi phi dê sóng lượn. Cho 6,5 điểm hình thể. Người yêu Gái để ria đen nhánh, đi xe đạp mifa, nhà ở 36 phố phường. Thời gian đầu chàng ria đen đạp xe vào trường thăm gái rồi hai người đi bộ sang đường tình yêu ở trường bên cạnh tâm sự. Đấy là con đường tối tăm có rặng nhãn hai bên và dẫn vào một ngôi chùa. Con đường huyền ảo với những tiếng rì rầm, khúc khích hoặc tiếng phì phò như kéo bễ. Tinh tế hơn có thể nghe thấy tiếng bật của dây nịt pịch pịch, thường thì chỉ mình nhận ra được tiếng ấy lẫn trong tiếng ếch kêu.
                 Sau một thời gian thấy chàng để chiếc xe mầu cô ban ở lại cho gái. Tối thứ 7 gái đạp xe đi, sáng thứ hai mới về, mặt mũi bơ phờ, nhợt nhạt.
                 Tuy là dân ở lậu, nhưng mình như cảnh sát khu vực, nắm chắc di biến động của mấy trăm gái khóa ấy. Chả để làm đéo gì đâu, cho vui thôi.
                 Một đêm sáng trăng, thứ 7, mình lang thang làm đếch gì không nhớ lắm. Từ cổng trường vào đến kí túc xá cũng khá xa. Mình nghe thấy tiếng líp xe tạch tạch đằng sau, ngoái cổ lại, mừng rỡ. Dưới ánh trăng vàng, gái mặc chiếc áo sơ minh trắng nõn. Mái tóc loăn xoăn xõa ngang vai bay bay trước gió. Mình sướng quá hô lên một câu rất ngu: “Đi đâu về thế”. Nói rồi mình nhanh như cắt nhảy phóc lên xe, miệng hô tiếp: “Cho tao đi nhờ”. Miệng nói, tay ôm vào eo Gái. Chiếc xe hơi loạng choạng rồi lấy lại được thăng bằng. Gái không nói gì.
                 Hai tay mình vẫn đặt trên eo Gái.
                 Mình cảm nhận được cạp quần gợn lên trong lòng bàn tay, tự nhiên lại liên hệ đến dây cooc xê nổi lên vai các gái. Trai mới lớn toàn nghĩ tầm bậy tầm bạ.
                 Mình lại hô lên, nhưng âm lượng nhỏ hơn: “Cho tao sờ tí một cái nhé”.
                 Gái  im lặng. Mải miết đạp xe.
                 Mình thử đưa tay lên cao hơn một tí. Gái không có phản ứng gì. Mình quyết định mạnh mẽ hơn, đưa cả bàn tay chộp lấy phần nhô xa nhất của ngực.
                 Dưới lòng bàn tay của mình là một manh áo mỏng, dưới nữa là một lớp vải dày may chỉ đằn, cứng ngắc, có đầu nhọn gại gại vào gan bàn tay. Mình chỉ chụp bàn tay lên như thế rồi giữ nguyên, phải đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn nữa thì mới cảm nhận được dưới lớp vải đằn đấy có cái gì mềm mại hay ho. Trí tưởng tượng kém chỉ thấy như miếng tích kê mông đít.
                 Gái vẫn im lặng, tiếng thở hơi mạnh, có thể vì phải đèo nặng.

                Chỉ còn cách kí túc xá một đoạn ngắn, Gái bảo: “Mày bỏ tay ra đi, chúng nó nhìn thấy”.
                 Mình kéo tay về, thấy mình thật oai hùng.
                 Gái dắt xe vào cổng, mình rảo bước bên cạnh. Trên hành lanh, một vài đôi vẫn hôn nhau, trăng sáng nhìn thấy cả rau xanh rắt ở răng.
                 Gái bảo: “Đã buồn ngủ chưa, sang rặng nhãn chơi không?”
                 Mình đang hân hoan chiến thắng, lại nghĩ đến chuyện lóc cóc một mình như lúc nãy thì buồn, nên trả lời: “Ừ, đợi tao tí. Để tao xem còn thằng nào thức, rủ đi cùng cho vui”.
                 Gái xì một tiếng, quay ngoắt người, hối hả dắt xe theo hướng khác, nói nhanh: “Thôi về ngủ đi”.
                 Mình nhìn theo bĩu môi, đúng là đồ đàn bà, thay đổi như chong chóng.
                 Tiếng líp xe tạch tạch khuất dần.

                Rồi theo năm tháng, mình cũng lớn hơn. Mình đã hiểu rằng, cái hôm đần lầu tì sớ ấy, mình đã bỏ lỡ một cơ hội khác còn phê hơn.

                Luận về hoa sen

                (Copy và Paste tại Đông A Blog)
                Hoa có nhiều loài, muôn hình, muôn vẻ. Riêng loài hoa được tạo hình để làm thứ lót đít ngồi là hoa sen. Tòa sen mà Bụt ngồi chỉ là một kiểu bồ đoàn lót đít. Hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhơ, cho nên là thứ lót đít ngồi rất tốt, khỏi lo bị bẩn. Đấy là ý nghĩa đích thực của hoa sen. Hậu thế nhiều người không hiểu thâm ý của người xưa, cứ tưởng hoa sen cao sang này nọ. Đúng là hoa sen có cao sang, nhưng là thứ cao sang để lót đít ngồi. Chu Đôn Di gọi hoa sen là hoa quân tử là vì thế. Là quân tử vì ở trong thời vẩn đục mà vẫn thanh tao. Tuy quân tử có thanh tao, nhưng vẫn là hạng người để cho bọn vua chúa ngồi trên đầu. Cái ý của Đôn Di là như thế. Ông yêu hoa sen vì thấy đấy là thân phận của mình, thân phận tuy thanh tao trong bùn nhưng vẫn chỉ là thứ lót đít ngồi cho bọn vương giả. Hồ Chí Minh thâm thúy hơn đám hậu nhân tụng ca ông. Cái ao vườn nhà ông tịnh không có một bông sen nào. Vì sao thế? Bởi lẽ ông biết rằng nếu ví mình như hoa sen thì lấy gì làm bùn để mà nói tới thanh tao? Không lẽ gia thế nhà ông là bùn hôi tanh để từ đó ông vươn lên cảnh thanh tao của riêng ông? Không lẽ xung quanh ông là bùn hôi tanh để mình ông thanh tao một chốn? Không có bùn thì làm sao sen lại có thể thanh tao? Mà nếu là hoa sen thì ông lót đít cho ai ngồi? Ông thấu hiểu cái thế lưỡng phân của hoa sen, để loại bỏ hoa sen ra khỏi tầm mắt của ông, để khỏi phải ê chề trong tiếng cười trào tiếu của nhân thế.

                Chu Đôn Di hỏi người yêu hoa sen giống như ông là ai là ngậm ngùi cho thân phận của mình.

                KHÔNG BÁN HÀNG CHO GIẶC

                Năm 1946 cuộc chiến Pháp Việt bùng nổ. Người Việt Nam khi ấy vừa trải qua 80 năm dài nô lệ với thói quen cúi đầu trước người Pháp, nhưng chỉ sau 1 năm, khi lòng tự hào dân tộc được khơi dậy, và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ xứng tầm là ông Hồ, vẫn những người Việt Nam ấy, đã trở thành một loại người hoàn toàn khác.

                Khi dấu hiệu của một cuộc chiến bắt đầu manh nha, người Việt lúc đó lập tức quay lưng với Pháp. Lịch sử vẫn còn ghi lại phong trào tẩy chay buôn bán với Pháp của người Việt: "Không bán hàng cho giặc, không giao lưu với giặc và không chỉ đường cho giặc".

                Tiêu thổ kháng chiến, nhiều người Việt sau đó tự tay đập đi những ngôi nhà của mình, 9 năm sau, họ quay trở về sau trận Điện Biên Phủ. Một cuốn sách của Pháp xuất bản trong thời kỳ này, khi đề cập đến người Việt Nam, họ dùng cụm từ Annamit. Sau năm 1954, cuốn sách được tái bản, tác giả bỏ toàn bộ cụm từ Annamit và thay thế bằng cụm từ "người Việt Nam".

                Nếu không có sự quyết tâm, không có cái tinh thần "Không bán hàng cho giặc" ấy, ắt hẳn, chúng ta đã không có một nước Việt Nam như hiện nay.

                Những năm qua, lãnh thổ của chúng ta liên tục bị chiếm từng phần một. Năm 1974, Việt Nam mất trọn quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, hơn 80 thủy binh Việt Nam tử trận và chúng ta mất 9 đảo và đá tại Trường Sa. Từ 1979 đến 1988, chiến tranh liên miên tai biên giới phía Bắc với cái chết của hàng chục nghìn người. Thời kỳ được coi là hòa bình từ 1991 đến nay, máu của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục rơi trên biển. Ít ai có thể quên sự kiện tàu hải quân Trung Quốc xả súng bắn chết 9 ngư dân Việt Nam năm 2005. Trên biển Đông đã có bao nhiêu vụ tàu thuyền Việt Nam bị tông chìm? bao nhiêu sinh mạng ngư dân Việt trôi dạt vĩnh viễn trên biển? 

                Hạm tàu Trung Quốc ngày một càn quét xa hơn xuống phía Nam, từng chút một, kế sinh nhai của người Việt ngày một cạn kiệt trên biển. 

                Giặc đối với người Việt, là ai???

                Trong những ngày biển Đông đang nóng như một lò lửa, khi tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn liên tục bị chèn ép khi ra khơi. Mỗi chuyến mưu sinh, trở thành một chuyến đi có tính sinh tử, trong khi đó, trên đất liền, thương lái Trung Quốc vẫn càn quét như đi vào chỗ không người. Ngoài biển, Trung Quốc liên tục xâm lấn lãnh hải Việt Nam, và trên đất liền, người Trung Quốc đi lại tự do và mua bất cứ gì cần cho cái đất nước ấy.

                Hậu quả có thể nhìn thấy ngay: Trong lúc Việt Nam đang lạm phát nặng nề, Trung Quốc mua vét hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm sinh hoạt thiết yếu như thực phẩm, gạo, thịt ... nguồn hàng khan hiếm hơn, giá cả tiếp tục tăng, trong khi người Việt đang vật lộn với chỉ số lạm phát ngót 20%. Việt Nam sẽ chống lạm phát bằng cách nào? Trong lúc tàu thuyền đánh cá của Việt Nam ra khơi ngày một khó khăn, ngày một đánh đu với sinh mạng trước họng súng của Trung Quốc, thì thương nhân Trung Quốc mua vét hải sản trên đất liền. Báo chí Việt Nam loan tin, hơn 100 nhà máy chế biến hải sản phải ngừng hoạt động.

                Tại sao những câu chuyện đó lại diễn ra quá dễ dàng? Cái tinh thần không bán hàng cho giặc hiện giờ ở đâu? Chúng ta giữ độc lập bằng cách nào? Khi mọi thứ dường như chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu.

                Hàng hóa độc hại của Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, tiền thuế của dân chi ra để nuôi đủ thứ bộ máy công quyền, gồm thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường, bộ công thương, bộ khoa học công nghệ ... và đủ thứ biên chế ăn lương khác, họ đang làm gì để bảo vệ người Việt Nam, để ngăn chặn dòng thương mại độc hại đang bóp chết người Việt về sức khỏe, bóp chết nền sản xuất Việt về giá cả?

                Công an Việt Nam đang làm gì? Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đang làm gì và bản thân chính người Việt Nam đang làm gì để thương nhân Trung Quốc đi lại tự do trên lãnh thổ Việt và mua bất cứ gì họ muốn như một công dân bản địa, khi thậm chí hành vi thương mại của họ đang làm xói mòn chính sách tài chính của Việt Nam?

                Trong quá khứ, lúc nguy nan, người Việt tự biết bảo nhau "Không bán hàng cho giặc". Một lịch sử bất khuất sau đó được viết lên bởi chính thế hệ những người Việt vừa mới bước ra khỏi 80 năm nô lệ.

                Ngày nay, những người dân Việt Nam của một nước độc lập về lý thuyết từ năm 1975, tính đến nay, đã có gần 40 năm độc lập, dễ dãi và bắt tay với giặc, phải chăng chúng ta đang đi ngược lại con đường mà người Việt từng đi?
                (Theo Blog Lãng)

                Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

                Thêm tiện ích &chỉnh sửa Bố cục Blog

                (Theo tranhung09 blog)


                Bắt đầu từ Bảng điều khiển > Thiết kế > Phần tử trang > Thêm Tiện ích
                Bạn tuỳ chọn đồ chơi phụ tùng cho blog:  
                                       
                Trang: Là thanh nằm ngang dưới tiêu đề blog, gồm một số thẻ có nội dung do chủ blog tạo ra để bạn đọc nhấp vào xem.
                Cách tạo: Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > trang
                Chỉnh sửa: Bài đăng mới > Chỉnh sửa trang.
                Thêm thẻ trang: 
                Bài đăng mới > Chỉnh sửa trang > Trang mới

                Thay đổi vị trí thẻ trang: Phần tử trang > Trang > Chỉnh sửa > Kéo và thả 
                Tìm blog này: Để người khác tìm nội dung hoặc chính bạn tìm lại bài của mình đã đăng.           
                Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản >  Ô tìm kiếm >  Đặt tên: Tìm blog này > Đánh dấu chọn: Blog này      
                Danh sách người theo dõi blog: Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Người theo dõi
                Nhãn chủ đề các bài đăng trong blog: Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Nhãn
                Hiển thị thông tin về bản thân: Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Hồ sơ
                Lưu trử blog: Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Lưu trử blog > Tuỳ chọn hiển thị                            
                Chèn các liên kết (links) vào blog - có 4 chọn lựa để bạn chèn:                                   
                Danh sách blog (hiển thị links + tiêu để bài mới của blog bạm bè): Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Danh sách blog > Đặt tên tiêu đề và tuỳ chọn hiển thị
                Danh sách liên kết (hiển thị links weblog): Thêm tiện ích > Thẻ cơ bản > Danh sách liên kết > Nhập địa chỉ > Thêm liên kết > Tiếp tục như vậy với link khác > Tuỳ chọn hiển thị
                Danh sách:  Tính năng tương tự như Danh sách liên kết
                Nguồn cấp (thường để theo dõi các bài, chuyên mục trên các website báo): Thêm tiện íchh > Thẻ cơ bản > Nguồn cấp > Nhập URL nguồn cấp > Tiếp tục
                . . . . . .
                Comments mới nhất: Thêm tiện ích > Thẻ phổ biến nhất > Recent comments
                Bài đăng mới nhất: Thêm tiện ích > Thẻ Tiện ích khác > Nên chọn tiện ích thứ 2, 3 cho đẹp
                (Có công cụ khác để tạo Bài, comments mới, xem thêm):
                http://tranhung09.blogspot.com/2010/10/cong-cu-tao-bai-moi-hay-nhan-xet-moi.html                                        
                                                                 
                Chèn các mã của bên thứ 3 (không phải của Blogger) 
                Thêm tiện ích > HTML/Javascript > Dán mã vào ô biên soạn > Đặt tên tiện ích      

                Một số đồ̀ chơi linh tinh khác:
                Hộp chat (nhắn tin): www.cbox.ws                                              
                Liện hệ email:       http://kontactr.com                                      
                Bộ đếm Histats (đếm truy cập):   http://www.histats.com 
                Theo dõi người truy cập blog: http://feedjit.com/
                . . . . .  (nhiều vô thiên lủng!)


                LƯU Ý:
                - Mọi tiện ích bạn tạo ra, đều dễ dàng chỉnh lại hay xoá bỏ:
                Thiết kế > Phần tử tranh > Chỉnh sửa > sửa hoặc huỷ bỏ
                - Thay đổi vị trí trật tự các tiện ích để hiển thị gọn và đẹp: Thiết kế > Phần tử tranh > Đè chuột trái vào Thẻ tiện ích > Kéo rê thả vào chỗ muốn chọn > Nhấp Lưu (phía trên, bên phải) để cố định vị trí.
                "Thêm tiện ích" vào bất kỳ vị trí nào trên phần tử trang blog (do Blogger mặc định hạn chế):
                Xem hình
                Bảng điều khiển > Thiết kế > Chỉnh sửa HTML > Nhấp Tải xuống mẫu đầy đủ (phòng sự cố)
                Đánh dấu chọn Mở rộng mẫu tiện ích > Phím Ctrol + F (hộp nhỏ xuất hiện dưới hoặc trên của sổ tuỳ trình duyệt web của bạn, để tìm mã)
                Cóp dán chữ showaddelement vào hộp nhỏ > Nhấp Enter > Bạn sẽ thấy chữ này tô màu, kế là dấu = 'no' 
                Tô chữ  'no'  thay bằng chữ  'Yes'   Cóp chữ  'Yes'  sẵn sàng dán tiếp chỗ khác.
                Quay lại nhấp chuột trái vào hộp nhỏ tìm kiếm (dấu nháy) > Enter > tiếp tục, lần lượt dán chồng chữ 'Yes' lên chữ 'no' thay như trên... > Lưu.
                Mở Phân tử trang, bạn sẽ thấy thẻ Thêm tiện ích xuất hiện nhiều chỗ trên bố cục blog.
                (Nói lòng dòng vì e có bạn chưa quen thủ thuật, thật ra người biết chì làm 5, 10 phút là xong).
                - Lưu ý: Bạn nên cân nhắc chèn những tiện ích nào thật sự cần thiết vì nhiều quá, blog sẽ tải chậm. (Không khéo đang phi ngựa xích thố thành cỡi rùa 100 năm tuổi! he he)


                Tuỳ chọn trong Trình thiết kế Mẫu cho Blogger


                Trên của sổ của Trình thiết kế Mẫu cho Blogger: Phía trên là phần giới thiệu các mẫu và tuỳ chọn thiết kế cho blog. Phía dưới là phần bạn quan sát hình ảnh blog, sẽ thay đổi theo tuỳ chọn của bạn.

                MẪU
                Blogger cung cấp 6 mẫu có cùng cơ cấu bố cục để bạn chọn lựa. Nhấp vào ký hiệu mũi trên sang trái hoặc phải để xem.
                Hình phía trên - bên phải là mẫu bạn đang dùng. 4 hình phía trên - bên trái là mẫu giới thiệu. Mẫu nằm trong nền đen, nối tiếp kế phía dưới là phân nhánh số mẫu theo màu nền (bạn đang dùng được viền màu cam). 

                NỀN
                Hình màu nền mặc đinh: Tuỳ chon màu chính chủ đề. Nếu bạn không thích, nhấp Xoá hình ảnh > Nhấp tiếp ký hiệu mũi tên nhỏ, nó sẽ mở cửa sổ > Chọn hình nền > Hoàn thành.

                BỐ CỤC
                Bố cục phần thân: Có 8 kiểu hiển thị bố cục trang blog để bạn chọn (mẫu đang chọn được viền màu cam). Tuỳ chọn tiếp Bố cục chân trang.
                Thông thường nên chọn kiểu bố cục: Bên phải - nội dung bài, bên trái - 2 cột tiện ích để tiện chèn các tiện ích đi kèm. Chân trang tuỳ nhu cầu.

                ĐIỀU CHỈNH ĐỘ RỘNG
                Toàn bộ blog: Bạn nên kéo thước chọn tối đa = 1000 px. để giao diện blog hiển thị hết màn hình.
                Thanh bên phải: 
                Tuỳ mục đích của blog bạn, nếu chủ yếu là chia sẻ nội dung bài: nên chọn Cột phải tối đa = 230 px. 
                Chọn lớn hơn nếu blog bạn chủ yếu là phô diễn đồ chơi ở cột bên.
                (Căn cứ vào thực tế hiển thị từng blog, điều chỉnh sao cho gọn, đẹp)

                NÂNG CAO
                Chữ Trong trang:
                Phông chữ: Tuỳ chọn kiểu chữ.
                Màu văn bản: Tuỳ chọn màu theo mẫu bên dưới.
                Nếu chưa hài lòng, bạn nhấp vào ký hiệu mũi tên:
                - Chọn màu chính ở bảng bên phải trước.
                - Kéo thước ngang để pha trộn màu. Kéo rê chấm tròn nhỏ để chỉnh độ màu đậm nhạt.
                Nền: Chọn màu và tuỳ chỉnh như Chữ Trong trang.
                Liên kết: Các links bao gồm tựa bài đăng, liên kết trong bài và các liên kết ở cột bên bố cục.
                Tiêu đề Blog: Chọn màu và tuỳ chỉnh như Chữ Trong trang.
                Chữ trên Tab: Thẻ nằm ngang dưới tiêu đề blog (nếu bạn chưa tạo Trang, sẽ không thấy trên blog).
                Nền Tab:
                - Màu nền: Chọn màu chung cho tất cả các Tab.
                - Màu Chữ của Tab đã Chọn: Chọn màu cho từng Tab.

                - Màu Dấu phân tách: Chọn màu cho dấu ngăn cách giữa các Tab.
                Tiêu đề Bài đăng. Bài đăng. Tiện ích, Chân trang: Tuỳ chọn.
                Thêm CSS: Chỉnh sửa các mã trong của sổ, sẽ làm thay đổi giao diện blog.
                (Phần dành cho blogger có am hiểu nhất định)


                Cuối cùng nhấp vào thẻ Áp dụng cho blog
                Thông thường cần chỉnh sửa tới, lui vài lần, bố cục và màu sắc blog mới hiển thị hài hoà.

                LƯU Ý: Sau khi thay đổi mẫu.
                Sẽ không mất:
                - Các cài đặt điều khiển cho blog
                - Các tiện íchg (widget), bạn đã tạo ra ở mẫu blog cũ.

                Sẽ bị mất:
                - Hiện lại thanh điều hướng Navbar, nằm trên cùng của giao diện blog (nếu trước đó bạn đã xoá).
                Thanh này mặc định của Blogger, để không pro, xoá cho đẹp nhà. Xem thêm:
                http://tranhung09.blogspot.com/2010/07/hoac-xoa-thanh-ieu-khien-navbar-cua.html
                - Các mã bạn đã chèn vào blog cũ (chỉnh sửa HTML): Như mã rút gọn bài - xem thêm, Bài cùng chủ đề, Popup mở link ra ngoài trang đang xem...


                                     
                Trình thiết kế Blogger cung cấp các lựa chọn cho giao diện blog, thông qua hình ảnh trực quan và không đến nổi quá phức tạp. Blogger cho phép thay đổi vô tư.  Để tránh hình thức blog đơn điệu, nhàm chán, bạn chịu khó quậy thử, mình tin rằng bạn sẽ có blog đẹp.