Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Thơ lượm lặt trên net (tiếp theo và hết)

Tự hát
Xuân Quỳnh

Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh đi với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa với trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.


Ai cũng có phút yếu lòng như thế !

Nguyễn Thanh Hà

Em biết rằng anh sẽ chẳng yêu em
Nụ hôn ấy chỉ là phút giây nông nổi
Em dại dột, em trẻ con, em yếu đuối
Anh bỗng hóa thành người lớn bao dung.

Em biết rằng anh sẽ chẳng nhớ em
vì trái tim anh có thừa người khác
những bản tình ca ở bên em anh hát
Sẽ một người nào diễm phúc sau em.

Em biết rằng rồi anh sẽ quên
Cái gì thoáng qua mấy ai còn giữ lại
"Cho dù với em đó là mãi mãi"
Anh bận lòng chi với một kẻ qua đường.

Đừng dằn vặt mình vì lỡ nói yêu thương
Ai cũng có phút yếu lòng như thế
Em chẳng trách đâu vì tình yêu có thể
Đến trong nhau bằng những phút dối lừa...


Lỗi
Puskin

Cả hai chúng mình chẳng có lỗi gì đâu
Khi tình yêu đã một lần tan vỡ
Vẫn yêu nhau mà đành dang dở
Cả hai chúng mình chẳng có lỗi gì đâu

Cả hai chúng mình đều có lỗi với nhau
Anh đã quên em để em mơ kẻ khác
Em thì quên đi tưởng tình kia đã nhạt
Không ngờ còn lại vết thương đau

Nhức nhối nhiều bởi đã rất lâu
Trái tim ai đã bắt đầu nóng chảy
Anh muốn nói yêu em như ngày xưa ấy
Đã vỡ rồi đâu còn được lành nguyên

Có bao giờ hàn gắn được trái tim?
Anh đừng nói cho lòng em thổn thức
Em biết anh đã nhiều lần day dứt
Anh buồn, em còn buồn nhiều hơn

Trước em buồn vì đã mất anh
Nay lại buồn vì anh khơi chuyện cũ
Lấy lại làm sao niềm tin đã sụp đổ
Hãy quên em và đừng nói yêu em!


Yêu 1

Anh góp nhặt những giọt thời gian
Trồng cho em cây tình yêu cổ thụ
Anh đan bốn mùa, đan mưa vào gió
Nuôi một ngày nẩy lộc biếc trăm năm.

Tình yêu giản dị ta muốn hiến dâng
và giọt máu nơi trái tim yếu ới
Hơi thở sâu lồng trong khao khát
làm đời mình rực rỡ giữa hoang vu.....

Em hãy mơ
Em hãy chờ
Em hãy khóc khi em đón nhận
Nếu anh có thể đem cho em nước mắt
Nước mắt để làm bằng chứng yêu đương !

Em ơi !
Anh gọi tên em...
Gọi cả bốn mùa dù mưa dù nắng
Em ơi , bài tình ca sâu lắng
Tình yêu dù buồn, tình yêu dù đắng
Cũng duy là anh viết cho em...

Em ơi, ta bồng bềnh giữa bóng đêm
Bồng bềnh giữa bộn bề khó nhọc
Bồng bềnh khi Tình yêu ngồi khóc
Trái tim nào run rẩy dưới bờ vai ?

Em ơi !
Ngày có thể dài...
Bốn mùa lại qua rất ngắn !
Em có thể quên những gì anh dặn,
Nhưng đừng quên ngày - Anh đã nói yêu em...


Yêu 2

Con đường mình đi rất xa
Anh gắng định nghĩa thế nào là Hạnh phúc
Em hằng nâng niu từng trang ký ức
Trả cho nhau tuổi hoá đá bốn mùa

Em vô tư với những ngây thơ
Ta tự mang cho mình quyền dằn vặt
Lời yêu ngỡ chỉ đắm đuối bằng đáy mắt
Ta nhìn em ngỡ si dại một đời

Ta không kể em nghe về những chơi vơi
Khi xa em mình ta thưởng thức
Ngọt ngào em trao ta trải thành dòng mực
Để đêm dài ta viết dưới kẽ tay

Em vẽ cho ta bóng dáng những áng mây
Ở đấy có chuyện tình Ngưu lang - Chức nữ
Tình yêu phai hiểu bằng điều ẩn dụ
Dẫu khoảng cách thèm ve vuốt làn da.

Em cứ vô tư đi để ta mãi là ta
Ta vẫn đau em không cần nhìn thấy
Em dại dột và em là thế đấy
Quay đi rồi..
Em ơi
Ta đã khóc cho mình....

Em đừng tô vẽ ánh Bình minh
Vì nhỡ ta yêu Hoàng hôn nhiều hơn như thế
Em hãy hiểu, Tình yêu đôi khi chỉ là "có lẽ"
Mà vì si mê mình đeo đuổi ngày dài....

Em đừng nói nhiều về "mai"
Khi với ta "hôm nay" lại trôi đi vô nghĩa
Em đừng cho rằng ta sẽ mãi là như thế
Thời gian đi, ai tìm được vẫn mình.....

Hoa Sữa

Tuổi 15 em lớn từng ngày
Một buổi sớm bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ

TÌnh yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan dần trong sương khói mong manh

Tại mùa thu? Tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình tại gì không biết nữa?
Tại con bướm vàng có cánh nó bay?

Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời của Rômeo và Juliet
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương

Chỉ mùa thu là trọn vẹn nhớ thương
Hương hoa sữa vẫn trở về mỗi độ
Hương của mối tình đầu nhắc nhớ
Có lẽ hai người xưa đã yêu nhau...........
Chị cũng từng yêu anh ấy như em
Chỉ có khác chị là người đến trước
Khóc làm chi em cho má hồng thấm ướt
Anh ấy vụng về chẳng biết dỗ dành đâu
Có một thời chị cũng thích giận nhau
Để đo hết thương yêu theo chiều dài giận dỗi
Để một lần chị vô tình mắc lỗi
Một lần thôi, thế rồi mãi mãi xa
Biết nói gì về tất cả đã qua
Chị là quá khứ hôm qua - Em là hôm nay hiện tại
Biết chẳng thể thêm một lần yêu lại
Nhưng chị vẫn xót lòng khi đối diện tình em
Em đã có cái bấy lâu chị khát thèm
Tuổi trẻ hồn nhiên, gót chân mềm mới lạ
Rồi có một chiều đông cây thay lá
Voan áo cô dâu bay ngợp trước hiên nhà
Rồi vô tình chị giả bộ bước qua
Bâng quơ ngắm cô dâu, nghẹn lòng nhìn chú rể
Em đứng quay ngang rồi cau mày như thể
Chị ấy kia kìa, chị ấy cũng đến xem ...
Phố cũ, cơn mưa cũ, ướt mèm...........

Kẻ hành khất không tim

Tôi cứ mài trái tim,
Thành từng bài thơ nhỏ.
Lặng lẽ và âm thầm,
Gửi dần cho em đó.

Mỗi người ta chỉ có,
Trong mình một trái tim.
Tôi cho em tất cả,
Sao em lại không tin?

Cho em cả trái tim,
Tôi chẳng còn gì cả.
Trở thành kẻ ăn xin,
Đói tình, tôi mệt lả.

Dù ngày mai gục ngã,
Kẻ hành khất không tim.
Chẳng xin gì em cả,
Chỉ xin em - Trái Tim.

Thơ lượm lặt trên net (tiếp theo)

Tình em

Em có khóc đâu anh ?...
Đó là nụ cười tan ra đấy chứ ,
Một nụ cười quắt quay nỗi nhớ ,
Một nụ cười dai dẳng niềm đau


Đừng trách em khi mình chẳng đến được với nhau ...
Tình yêu có thật nhưng mong manh quá
Giữa cuộc đời ngổn ngang giông tố ,
Trái tim em không đủ sức đối đầu ...


Rồi thời gian sẽ qua đi rất nhanh ,
Anh sẽ có những mối tình nồng nàn khác
Chỉ có em khi thu về man mác
Phút cô đơn em lặng lẽ mỉm cười ...!!!


HUYỀN THOẠI MỘT TÌNH YÊU


--Đàm Thị Lam Luyến--

Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm
Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy
Giá được anh hẹn hò, dù phải chờ lâu biết mấy
Em sẽ chờ,
Như thể một tình yêu

Em sẽ chờ như hòn đá biết xanh rêu
Của bến sông xưa mùa cạn nước
Cơn mưa khát trong nhau từ thủa trước
Sắc cầu vồng chấp chới phía trời xa
Em sẽ chờ như lúa đợi sấm tháng ba
Như vạt cải đợi ngày chia cánh bướm
Như cô Tấm thương chồng từ kiếp trước
Lộn lại kiếp này từ quả thị nhận ra nhau

Em ở hiền em có ác chi đâu
Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác
Có phải rượu đâu mà chờ cho rượu nhạt
Có phải trầu đâu mà trầu dập mới cay
Em vẫn chờ vẫn đợi vẫn say
Ngâu xa nhau có ngày Ngâu gặp lại
Kim Kiều lỡ duyên nhau cũng có ngày quan tái

Em vẫn chờ, vẫn đợi
Dẫu chỉ là huyền thoại một tình yêu


KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ
NHỮNG PHÚT YẾU LÒNG NHƯ THẾ


Xin em đừng nặng lời trách nhau
Nụ hôn ấy đâu chỉ là phút giây nông nổi
“ Em dại dột, em trẻ con, em yếu đuối”
Anh có hơn chi tuổi trẻ dại khờ

Đừng bên anh chỉ như một giấc mơ
Xin hãy tin những bản tình ca anh hát
Trái tim anh chỉ mình em định đoạt
Chẳng thể nào có người diễm phúc sau em

Đừng tự ti như thế nữa đi
Anh biết sự cao thượng trong tình yêu nơi em là có thật
Nhưng nếu thiếu nhau thì còn gì để mất
Lòng tốt kia khiến người khác đau lòng

Dẫu ngàn lần anh vẫn nói vậy thôi
“ Anh yêu em” và cứ là thế đấy
Đừng nghĩ ai cũng có những phút yếu lòng như vậy
Đến trong nhau bằng những dối lừa




Không đề !!!
Đã bao lần em cố để quên
Để nhận về nhiều hơn là nỗi nhớ
Bài thơ buồn như bài thơ còn dang dở
Hoa sữa ngậm ngùi theo những dấu yêu

Có thể em đã yêu anh quá nhiều
Đến mức tưởng chừng không thể yêu ai hơn được nữa
Mà anh lại trao em một tình yêu xẻ nửa
Một nửa hao gầy, một nửa mong manh...

Mình chia tay vì em, hay vì anh?
Vì anh vô tâm hay vì em cố chấp?
Em kiêu hãnh ngẩng đầu mà khóc
Nhìn bầu trời sập nát giữa hoàng hôn.

Em làm bạn với nỗi buồn và sự cô đơn
Run rẩy khóc mỗi lần xem nhật ký
Hạnh phúc đắt hơn ngàn lần em vẫn nghĩ
Nhưng một nửa thôi em cũng chối từ....

Thơ lượm lặt trên net

Chẳng thể nào anh lại giấu được em

Chẳng thể nào anh lại giấu được em
Em hiểu cả qua ánh mắt anh nhìn người con gái ấy
Một chút đam mê,một chút thôi nhưng bỗng cháy
Một chút cũng đủ làm tan vỡ trái tim em
Một chút thôi ngỡ là sẽ quên
Nhưng sau tia chớp trời chẳng còn bình lặng
Bão tố trong em khi nụ hôn anh hờ hững
Khi anh thẫn thờ ngay cả lúc có em
Chẳng có gì để mà em ghen
Em biết thế vì anh vẫn luôn đúng hẹn
Hoa vẫn thắm chờ mỗi lần em đến
Nhưng trong sâu thẳm lòng mình em đã biết mất anh
Nói đi anh hôm nay trời rất xanh
Gió rất nhẹ, nắng vàng con đường nhỏ
Em vẫn mong trời đẹp thế cho mỗi lần mình gặp gỡ
Ngay cả là ngày mình sẽ nói xa nhau
Em sẽ buồn nhưng ko giận anh đâu
Em sẽ khóc mà ko hề hờn trách
Sẽ tự lau đi và tự lau nước mắt
Như em sẽ làm cho những ngày sau
Em thà một lần thực sự đớn đau
Một lần khóc nhưng một lần hạnh phúc
Bởi em biết anh đã một lần thành thật
Đã một lần anh đã vì em
Em đã buông tay hạnh phúc đã vỡ tan
Nhưng em biết nó đã từng hoàn hảo
Bởi em ko thể nâng niu gìn giữ
Một cái gì đã rạn nứt từ lâu.


Nếu cuộc đời em vắng anh

Khác chi đâu con thuyền không bờ bến
Vô định trôi chẳng biết đậu phương nào
và không gian dường như nhỏ lại
Gió lạnh hơn, trời bỗng như hanh hao...

Nếu một ngày em không nghĩ đến anh
Tim bức bối một nỗi niềm khôn tả
Chân vùng vằng bước đi trên triền đá
Giấu tiếng thở dài vào lạc lõng chơi vơi
Mây đang lững lờ trên bầu trời cao vợi
Nghĩ suy gì ngưng trôi tựa ngẩn ngơ
Sóng đang rì rào cũng trở nên im ắng
Thả lại trong em khoảng lặng đến nao lòng...

Nếu một ngày anh nói không yêu em
Em vẫn sẽ mỉm cười khi thấy anh hạnh phúc
Dẫu lúc quay đi nước mắt sẽ tràn mi
nhưng em muôn đời không để anh nhìn được
Bởi nước mắt mà anh...
có đôi khi phải chảy ngược trong lòng

Nếu một ngày anh nói không yêu em
Em vẫn sẽ mỉm cười khi thấy anh hạnh phúc
Vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh bước đi
Vì đã từng yêu anh như thế
Bởi tình yêu mà anh
chẳng hối tiếc bao giờ
Và...
sẽ là mãi mãi...



Anh hãy trở về

- Olga Bergon- ( Thơ dịch)


Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn hư ảnh
Anh một thuở như cuộc đời - như chim - như nắng
Như tuổi thanh xuân - như hạnh phúc vô bờ

Anh bây giờ đã ở rất xa
Khoảng cách bao la xoá nhòa hình dáng
Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn ảm đạm
Chẳng thể nào cháy lửa nữa đâu anh

Chỉ mình em có lỗi - chỉ mình em
Vì đã vội buông anh ra quá sớm
Vì vẫn sống trái tim đầy kiêu hãnh
Ôi lòng khát thèm chẳng thể nào nguôi

Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn hư ảnh
Anh một thuở như cuộc đời-như chim-như nắng
Như tuổi thanh xuân-như hạnh phúc vô bờ


Ru nắng chiều đi qua


Hãy khóc đi em đừng dối trái tim mình
Đau đớn lắm, phải không?Chiều vừa đi qua ngõ
Nắng cuối cùng tìm điều gì trong cỏ
Hay cũng buồn giấu nuối tiếc xa xôi?

Hãy khóc đi em để tìm được chút bình yên dẫu nhỏ nhoi
Là tất cả,anh và yêu thương ấy
Giếng có sâu đợi nước trong sẽ nhìn thấy đáy
Thành kỷ niệm rồi cách xa nhiều vẫn có một niềm tin

Hãy khóc đi em làm sao được lãng quên
Biết chẳng thể nên dối lòng đành vậy
Cơn bão qua đi cứ dày vò nhau mãi
Nước mắt rơi thành bài hát cho anh

Hãy khóc đi em đừng ném mình cho bóng đêm
Trốn trong đó và thấy mình bé nhỏ
Em đã dám yêu bằng tưng hơi thở
Hơi thở cho anh và hơi thở cho em

Hãy khóc đi em nỗi nhớ có thành tên
Buồn không đủ bởi yêu thương nhiều quá
Phố vẫn thế- ngác ngơ và xa lạ
Dẫu thêm một người cũng chống chếnh một bên

Hãy khóc đi em không vì tiếc những gì đã trao anh
Chỉ đơn giản vì em muốn khóc
Anh đi qua em lặnh im và chân thật
Chiều cũng buồn khi nắng đã dần xa



CUỐI CHÂN TRỜI SAO VÀ BIỂN HÔN NHAU
Không có nghĩa mỗi lần sóng vỗ
Là nồng nàn hôn cát đâu em
Vâng, em hiểu ngoài khơi kia trăm gió
Đưa sóng về rồi đẩy sóng xa thêm

Không có nghĩa những con tàu đêm đêm
Khắc khoải bởi hải đăng còn thao thức
Thăm thẳm lạc giữa đại dương màu mực
Biết về đâu nếu chỉ một thân tàu?

Cuối chân trời sao và biển hôn nhau
Bờ lặng lẽ cúi đầu không dám khóc
Mai sóng về mỏi mòn và nặng nhọc
Thở bên bờ trong giấc ngủ vô tâm

Hoàng hôn ơi sao mắt bờ quầng thâm?
Xưa biển hứa ngàn năm yêu cát trắng
Phiêu du mãi để hàng dương khô nắng
Sóng có bao giờ yên lặng đâu bờ yêu!

Đại dương xa gió rủ rỉ rất nhiều
Sao nhấp nháy từ ban chiều chờ đợi
Không có nghĩa mỗi lần nghe sóng nói
-Yêu rất nhiều- là cho cả bờ đâu...


NGÀY HÀ NỘI KHÔNG ANH


Em sợ những ngày chiều Hà Nội vắng anh
Mưa bất chợt chỉ một mình em ướt
Ở nơi ấy trên dòng đời xuôi ngược
Anh có vô tình nhớ đến Hà Nội không?

Em sợ những chiều Hà Nội vào đông
Con đường vắng những bước chân thong thả
Người trên phố vẫn đi về vội vã
Em một mình trông ngóng đến nơi xa

Anh có nhớ Hà Nội những ngày qua
Chiều bất chợt, những cơn mưa bất chợt
Đông dai dẳng những nỗi buồn dai dẳng
Phố đông người vẫn thiếu bước chân ai

Em vẫn đi trên đoạn đường dài
Đến lối rẽ mới thấy mình ngơ ngác
Con đường cũ thân quen vẫn lá rơi xào xạc
Tất cả lại vô tình xa lạ với em


QUÊN

Lạnh không anh những ngày tháng xa nhau
Em xin lỗi những lúc không còn nhớ
Em xin lỗi có lúc không trăn trở
Gió yếu rồi thuyền đi nổi không anh?

Nỗi nhớ sẽ vui khi được gọi tên
Em lơ đãng và rồi quên đi đấy
Không phải quên anh, mà quên mất nhớ
Quên mất buồn, quên mất cả tương tư.

Đừng trách em, em không phải thờ ơ
Không phải quên anh, anh biết rồi anh nhỉ
Khi lỡ gần ai một buổi chiều, em nghĩ
Giá được gần anh, dù chỉ một buổi chiều !

Anh thấy không, em vẫn biết nhớ nhiều
Không phải quên anh, không quên đâu anh nhỉ
Nếu tiếng em cười chiều nay hơi hoan hỉ
Không phải em vui khi mình phải xa nhau.
Anh biết mà, em không phải quên đâu....


Tình iu lộp xít.


Nàng đang đi chợ, xe bỗng xịt lốp. 
Vào hàng vá xe, nàng choáng váng gặp lại người tình cũ thời sinh viên.

Chàng vẫn vậy, phong trần, nam tính và hấp dẫn
Giờ làm chủ tiệm vá xe.

Kỷ niệm cũ ùa về trong nàng.
Ngày xưa, 2 người yêu nhau lắm
Nhưng vì chút hiểu lầm
Nên chia tay.

Nàng giờ đã chồng con đề huề
Còn chàng vẫn lãng tử.

Vá xe xong, nàng ra về, lòng ngổn ngang.

Tối đó, đang xem TV cùng chồng, nàng bảo:
EM sang nhà ngoại, sáng mai về
Vẫn dán mắt vào TV, chồng dặn với
Sáng mai về sớm em nhé.

Nàng đi như bay ra khỏi nhà.
Đến nhà chàng vá xe.
Nhưng hồi hộp.
Chỉ dám núp gốc cây nhìn vào.

Và, thật bất ngờ
Dưới ánh trăng vàng
Lung linh mơ màng
Chàng mở cửa
Bước líu ríu về phía nàng.

Tim nàng đập rộn ràng
CHàng như cảm nhận được
Tiến về phía gốc cây, nơi nàng đứng.

Và rồi
Dưới ánh trăng vàng
Lung linh mơ màng
Nàng thấy
Chàng đang RẢI ĐINH RA ĐƯỜNG

Những cái đinh nhọn hoắt
Chĩa lên trời
Dưới ánh trăng vàng
Lung linh mơ màng.
Bài trên otofun.net

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tâm lý phụ nữ

Cách đây khoảng chục năm, mình lúc ấy tiệm cận tuổi ba mươi. Mình là con một, nên ông bà già cũng muốn mình lấy vợ. Nhưng chờ mãi, hai cụ cũng chẳng thấy mình đem cô nào về ra mắt.

Bà bác mình nói với ông bà già mình: “Thằng này có khi dát quá, nên không biết cưa gái!”. Ông bà già mình bảo: “Chả biết nữa!”

Thế rồi có lần bà bác đi hiệu sách, thấy ở đó có bày quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái, bà mới mua về tặng mình. Bà nói: “Chứ mà mày dát, là vì mày không biết cách nói chuyện, không có kinh nghiệm tán gái, đọc những quyển thế này người ta hướng dẫn cho, sau có gặp con gái cũng đỡ lắp bắp…”

Bác mình nhiệt thành thế thì đương nhiên mình cảm ơn. Nhận xong, mình cất trong đống sách lộn, cũng chẳng mở xem lần nào.




Thế rồi gần chục năm sau, mình cũng lấy vợ.

Một lần vợ mình lục lọi đống sách cũ, thấy cái quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái này. Vợ mình lật xem mấy trang, mặt tự nhiên thẩn thẩn. Thế rồi vợ mình nói:

-         Em mới đọc có mấy trang cái quyển này, tự nhiên đối chiếu lại mình, thấy mình nhẹ dạ quá!

-         Nhẹ dạ là sao?

-         Thì đây nhé, trong sách này người ta nói: “Khi tiếp cận một đối tượng nữ, nhất thiết lời ăn tiếng nói của bạn phải lịch sự, từ tốn, hòa nhã, và tuyệt đối không văng tục”. Thế mà ngày xưa từ một đứa cả đời chưa bao giờ nói bậy là em, đi với anh ba hôm, em bị nhiễm cái tật văng “đéo”!

-         Thế là tội của anh à?

-         Lại còn không nữa! Đây này, sách này họ lại còn viết: “Trước khi đi gặp bạn gái, có thể bạn nên đánh răng, hơi thở thơm tho sẽ tăng sự thiện cảm ở bạn gái” – đọc xong, vợ nói tiếp – Đi chơi cùng em, chả biết trước lúc đi anh có đánh răng không, nhưng có lần anh đợi em dưới nhà, em thấy anh băm bổ chạy ra xin thuốc lào mấy ông đang đánh cờ, rít sọc sọc, mồm hôi mù!

Vợ lại mở sách đọc:

-         “Về trang phục đương nhiên bạn phải chỉn chu, tốt nhất bạn nên bỏ áo trong quần, trang phục của bạn đứng đắn sẽ làm bạn gái sớm trao gửi sự tin tưởng”, trong khi anh đến gặp em, lúc nào cũng nghễu nghện cái quần đùi. Em hỏi tại sao đi với em anh toàn mặc quần đùi thế, thì anh bảo “để lúc nào tụt, nó nhanh!”

-         Rồi sao nữa?

-         Sách họ nói: “Để bày tỏ tình cảm với bạn gái, bạn có thể chọn hình thức viết thư, trong thư bạn nên lồng tình cảm của mình trong các biểu hiện thiên nhiên, như mây mưa gió lá trăng sao…, lời lẽ sẽ bay bổng hơn. Bạn cũng có thể trích một số đoạn của nhạc Trịnh Công Sơn trong lời thư...", đây này, họ viết mẫu đây này “Dù ở nơi xa xăm này anh vẫn từng đêm âm thầm ru: Ngủ đi em đôi môi lửa cháy / Ngủ đi em mi cong cỏ mượt…”. Đấy, sách hướng dẫn thế, trong khi hồi yêu anh, em đi công tác, về nhà nhận được mẩu giấy, mở ra, thấy ghi: “Đồ ngu, anh yêu em!”.

Mình nghe vợ kể một thôi, chả biết nói gì! Một lát, vợ nói tiếp:

-         Cái quyển này là quyển Nghệ thuật làm quen với bạn gái. Em mới đọc có ba trang, đã thấy ngày xưa mình hố quá. Chả được hưởng tí nghệ thuật làm quen nào vẫn đâm đầu lấy anh. Giờ mà đọc hết quyển này nữa, đối chiếu lại hồi ấy, khéo em đập đầu tự tử, vì uất!!!
nguồn:  laothayboigia

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Hoan hô Đỗ Văn Đương


“Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực”.

“Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn"

“Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.

Đó là ý kiến của một ĐBQH trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 13.Hình như có không ít người sợ, không ít người giật mình thảng thốt, ngả ngửa, rụng rời…khi nghe lời phát biểu được cho là của ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM).  Và hình như, có bao nhiêu ẩn ức, muộn phiền từ cuộc sống, người ta mang ra mà trút hết lên đầu Đỗ Văn Đương. Còn với những người có mặt trong nghị trường hôm ấy, được cho là họ…cười ồ.


Mình khác tý, mình lại chọn cách cười khẽ vào cái cười ồ hôm ấy. Cái cười theo lối bầy đàn của cái làng ít bao giờ chịu nghe và tôn trọng những ý kiến lạ tai. Cái làng chỉ dám thuận với đám đông mà đám đông xứ này, chán bỏ mẹ.

Xưa í, thời nào chả rõ, khi một con đàn bà chửa hoang thì cả làng kéo nhau đến cạo đầu, bôi vôi và đuổi ra giữa đồng. Cả làng nhân danh đạo đức (mà có đạo đức khối) để loại trừ cái đứa làm cái điều mà tự đáy lòng mình rất thích, nhưng chả dám. Nay có đứa dám làm thế là lồng lên phỉ nhổ để ra vẻ ta đây cũng đạo đức ngời ngời, cũng tiết hạnh son sắt lắm đây. Từ cái tạm cho là “rẽ trái” của người khác, không thuận với ham muốn của đám đông,  thế là tiện thể lao vào để cấu xé nhằm thỏa mãn những ẩn ức, bức bối, ngột ngạt trong đời sống…Chỉ đêm về thì dâm loàn, loạn tặc chẳng ai bằng. Bảnh mắt ra thì lại rao giảng đạo đức với thanh cao. Cái bản sắc của người Việt nó thế! Tất nhiên xưa thế nay đỡ hơn.

Hẳn là chuyện trong nghị trường nó khác với chuyện ở bờ ao, bụi cỏ. Cứ cho là ngay ngắn hơn tý, nghiêm trang hơn tý nhưng xét trên một góc độ nào đó, cái cốt của người Việt cổ vẫn còn nguyên. Thấy ai đó (hay nghe cái gì) là lạ thì ngồi nhe răng ra cười, như đười ươi. Quan sát của mình, trong rạp chiếu bóng thế nào, nghị trường cũng như thế, không mấy khác gì nhau dù ở cái level ấy, level của đại biểu quốc hội, họ phải khác.

Bất kỳ ai dù chỉ mới nhập môn lý luận cũng sẽ biết, khi muốn đi tìm bản chất của sự vật, hiện tượng nào đó thì phải đặt sự vật, hiện tượng đó dưới nhiều góc độ khác nhau để có được một cái nhìn tổng thể. Như vậy, khi đứng trước vấn đề lạm phát, các đại biểu quốc hội cũng phải đưa ra được nhiều góc nhìn khác nhau. Bằng những quan sát, trải nghiệm của bản thân các đại biểu phải đưa ra được những góc nhìn mới lạ được lập luận một cách thuyết phục. Ngay cả khi nhiều người biết lạm phát đang ở mức rất cao không có nghĩa vấn đề đó không cần phải nhận thêm góc nhìn nào khác. 

Có thể, ý kiến của Đỗ Văn Đương còn thiếu sót chỗ này, thiển cận chỗ kia nhưng thử đặt một câu hỏi ngược, các đại biểu còn lại có phát biểu được điều gì mới mẻ, hay hớm hơn không? Xin thưa là không, toàn những nội dung cũ rích được nhai đi nhai lại trên các mặt báo. Vẫn chỉ là những phát biểu vu vơ, vô thưởng vô phạt, nói sai chả phải, bảo đúng cũng không hẳn, nói ra cũng chả khác gì lúc chưa nói.

Thử hỏi những ý kiến như: “Trong tình hình kinh tế lạm phát như hiện nay thì việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng chủ đạo là chưa phù hợp” (ĐB Nguyễn Tiến Sinh)  hay như: “Lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền bị giảm sút ghê gớm, ngày xưa phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng bây giờ đi chợ tính bằng tiền nghìn, tức là mất giá đến 1.000 lần” (ĐB Nguyễn Bá Thuyền) hoặc“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng chính nhập siêu là nguyên nhân gốc tạo ra lạm phát” (Nguyễn Thị Hoàng Yến) thì ai nói chả được mà phải cần đến đại biểu quốc hội? Ra ngã tư mà hỏi một ông xe ôm chăm đọc báo lúc chỏng khu đợi khách ông còn trả lời vanh vách được nữa kia là… Có nghĩa, các đại biểu của ta chỉ nói đi nói lại những gì đã được đăng trên báo mà báo chí ở ta hay ho không chưa biết nhưng nức tiếng là thứ không đáng tin. Nó chỉ có thể xem là một kênh để đại biểu tham khảo chứ không phải là thứ để bê nguyên đến nghị trường.

Những phát biểu như thế rất dễ được đám đông đồng cảm, chia sẻ bởi nó giống như một cách “thay lời muốn nói” của quần chúng (vốn đang bức xúc, ức chế vì chuyện cơm áo) đến với quốc hội. Và cũng nhờ cái “thành trì” vững chãi đó mà những người phát biểu được an toàn hơn bởi họ dễ dàng được ai đó xếp vào thể loại “đày tớ mẫn cán” và biết nói hộ lòng dân. Nhưng, nếu chịu nghĩ cho một điều gì đó sâu xa hơn cho đất nước thì quốc hội không cần những con người như thế.  Bởi nếu chỉ có thế thì quốc hội chỉ cần đặt vài trăm tờ báo trong nghị trường chứ chả cần phải mời mọc chi ngần ấy con người từ tứ xứ đổ về cho phí cơm, phí của. Không dừng lại ở cái mức hiểu được lòng dân mà cái đại biểu còn phải có tầm nhìn cao hơn báo chí (tạm cho là đại diện của quần chúng). Những ý kiến phải có tính phát hiện, khai sáng chứ không phải là đi nhắc tuồng. Chưa cần biết đúng sai, hợp lý hay chưa hợp lý thì các đại biểu phải dám nói lên cái chính kiến thực sự của mình chứ không phải ăn theo nói leo báo chí vì sợ nói khác đi sẽ bị đập cho tả tơi. Quốc hội cần phải có những cá nhân dám khác lạ hơn một dàn hòa thanh một giọng bằng những “cơ bản tán thành” hay “hoàn toàn nhất trí”.

Đứng trên góc nhìn đó mình chia sẻ với ông Đỗ Văn Đương bởi nếu cũng chịu nói theo cái lối ấy, ông Đỗ Văn Đương hoàn toàn có thể lành lặn trở về nhà mà không hề bị ai ném đá. Có thể cái ý kiến của ông sai bét nhè nhưng đó là góc nhìn thật thà, hồn nhiên của ông chứ không phải là đi cóp nhặt từ đâu đó. Mà nói xin lỗi cái quốc hội Việt Nam giờ đây cần gì hơn những con người như thế!?

Là bởi, thiên hạ cứ đặt mục tiêu phát triển chứ mình thì chả, cứ đứng lại mà tự vấn mình cái đã. Phải biết nhìn lại mình là ai, đang yếu kém ra sao, dốt nát thế nào so với thế giới để thôi đi các giá trị ảo tưởng. Và chỉ khi nào tự vấn xong để biết được ta bệnh tật thế nào thì may ra còn vẽ được phát đồ điều trị trước khi nghĩ đến kế hoạch phát triển bền vững. Và khi tự vấn lại chính mình, người ta cần những đại biểu dám nói thật quan điểm của bản thân. Có dốt cũng đừng giấu để giới quan sát biết trình của các vị đến đâu để còn biết đường mà thay vẫn hơn là một đám hổ lốn, thấp cao lẫn lộn chả biết đường nào mà lần bởi chỉ dám nấp sau lưng báo chí (hay dăm bảy hot blogger tầm mắt chưa ra khỏi lũy tre làng vẫn hung hăng cho mình có tầm nhìn ngang Mỹ)

Đứng ở góc độ đó, mình ủng hộ Đỗ Văn Đương, bất luận sự xối xả của đám người nào đó mà mình cho là u ám.  Và đó mới chính là những bóng ma thực sự đáng sợ.
(Nguồn: hacao.net)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Đừng đợi


Dạo gần đây có một số thằng đệ cứ lẵng nhẵng bám theo anh Minh xin anh cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề suy đồi đạo đức và lối sống trong giới trẻ. Anh cảm thấy rất mệt mỏi vì tết nhất đến nơi anh còn bận trăm công ngàn việc không còn có thời gian để mà thở. Nhưng thân trót đã mang cái trọng trách[ vinh quang ]lo trước cái lo của thiên hạ nên anh Minh, dù đang ngập đầu ngập cổ hết họp lại hành, vẫn phải đích thân thả vài lời [vàng ngọc] nhằm định hướng tư tưởng cho lũ em [chã] suốt ngày chỉ biết có ăn, chơi và phắc.
Anh Minh thấy rằng, hiện nay việc suy đồi đạo đức không còn là độc quyền của giới trẻ mà đã và đang dần trở thành một căn bệnh mãn tính của toàn xã hội, nói gọn mẹ lại một câu là không chừa ra bố con thằng nào cả. Tất cả mọi người, từ đức cao vọng trọng cho đến bần cùng mạt hạng đều đang phải ngày ngày sống chung với căn bệnh khó chữa đó với một thái độ cam chịu và bình tĩnh phải chăng. "Lộng giả thành chân", đôi khi một việc sai trái mà cứ ngày này qua ngày khác được diễn đi diễn lại một cách ngang nhiên thì chẳng bao lâu sẽ trở thành đúng đắn. Đúng đắn như mọi điều đúng đắn khác, như 1 với 1 là 2, như mặt trời thì mọc ở hướng Đông vậy. Ngạn ngữ Tây phương có câu châm ngôn thế nào nhờ, ờ, " Nếu một người gọi anh là con lợn, anh có thể đấm vỡ mũi anh ta vì tội xúc phạm; nhưng nếu có một trăm người gọi anh là lợn, thì anh nên bắt đầu nghĩ đến chuyện tin rằng mình là một con lợn". Cái việc phong bì phong bèo, chạy trường chạy chức chạy điểm chạy hồ sơ; chuyện đánh nhau chỉ vì "ghét cái thái độ", vì "nhìn đểu", vì vô tình đi xe quệt phải nhau; chuyện vượt đèn đỏ, đi sai phần đường quy định...vv và vv...Tất cả những việc đó có thể sẽ khiến những vị khách nước ngoài há hốc mồm vì ngạc nhiên thì ở ngay tại đây người ta vô tư thực hiện hàng ngày hàng giờ như một phần tất yếu của cuộc sống.
Dạo gần đây anh Minh thấy người ta đã bỏ biết bao công lao sức lực ra để bài trừ căn bệnh mãn tính này. Khó mà thống kê hết số tấn giấy được viết cho các bài báo, các bài cổ động, các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, công văn...rồi các phong trào lớn nhỏ, các sáng kiến hoặc tối kiến được lóe lên vào một phút thăng hoa nào đó trong một căn phòng máy lạnh nào đó. Bên giao thông thì hết bít ngã ba rồi bịt ngã tư, bên giáo dục thì hết ba không rồi bốn có, bên văn hóa thì cấm game online, chặn các trang web đen, web bẩn...Anh Minh của các bạn cảm thấy rất buồn cười: các phương thuốc ấy chỉ để chữa triệu chứng chứ làm sao chữa được căn nguyên? Nói nôm na như thế này cho các bạn dễ con bà nó hiểu nhá: một buổi tối mùa hè bạn đang nằm trên giường dạng chân ra ngủ, bỗng đột nhiên cảm thấy ngứa ngứa ở mông. Bạn phát hiện ra rằng bạn vừa bị muỗi nó đốt. Các bạn có thể vỗ bộp một nhát, rồi xoa dầu cù là vào chỗ bị đốt cho bớt ngứa, rồi lăn ra ngủ tiếp. Nhưng nếu có một đàn hàng trăm con cùng xông đến đốt một lúc, các bạn còn áp dụng cách đó được không? Có nghĩa là vẫn cứ đập chết từng con một và lại xức dầu cù là? Chắc là không ai trong số các bạn, em của anh Minh, có thể thiếu I ốt đến mức ấy. Cách giải quyết hợp lý hơn mà ai cũng có thể nghĩ ra: mắc mẹ cái màn vào, đóng các cửa sổ và phun thuốc diệt muỗi. Có thế thôi. Nhưng anh Minh có cảm tưởng rằng, nếu các nhà cải cách của chúng ta lâm vào tình huống trên, có lẽ họ sẽ dành trọn 1 đêm để ngồi vừa vỗ bồm bộp vừa xì xoạt xoa dầu vào chỗ ngứa.
Có thể lúc này sẽ có một bạn gân cổ lên leo lẻo cái mồm rằng: mẹ, anh Minh giỏi thì thử nêu ra cái phương pháp luận để giải quyết vấn đề xem nào, chỉ được cái nói thánh nói tướng là giỏi. Anh Minh trả lời chú em mày rằng: chú mày cứ bình tĩnh ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh đã rồi từ từ nghe anh Minh giáo chã. Đừng vội bốc c ứt ném hội nghị như thế. Đây là một công trình nghiên cứu có chiều sâu, do đó để vào đề anh mày cần dài dòng dẫn dắt một tí để các em của anh có thể hiểu được một cách đầy đủ. Láu táu nhiều anh lại bắt đứng bảng thì khổ cái thân.
Để có thể chữa được hoàn toàn một căn bệnh mãn tính, điều kiện tiên quyết là phải nắm được căn nguyên của căn bệnh. Ở đây nếu ta muốn giải quyết riết róng hiện tượng suy đồi đạo đức trong giới trẻ Việt, cần phải chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến nó. Anh Minh, hơn ai hết, với vai trò của người trong chăn biết chăn có rận, hoàn toàn đủ tự tin để nêu ra đích danh những cái nguyên nhân đó là những thằng nào. Bọn nó đây:
1. Dân tộc tính ăn sâu vào tâm thức mỗi chúng ta.
Những nét tính cách không đẹp của dân tộc Việt là "có tính tinh vặt(khôn vặt), cũng có khi quỷ quyệt, hay bài bác nhạo chế. Tâm tư nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, ưa trang hoàng bề ngoài,hiếu danh vọng, mê chơi bời, mê cờ bạc, hay tin ma quỷ. Hay tin ma quỷ và sùng lễ bái, nhưng không theo một tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo, hay nói khoác...."(Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim). Tất cả các thói xấu được hun đúc từ ngàn đời xưa được truyền lại cho chúng ta theo gene. Cho nên nó đã là bẩm sinh, là những nếp hằn sâu trong não bộ, không dễ gì xóa bỏ được.
2.Sự ảnh hưởng từ các luồng văn hóa khác nhau trong thời kỳ hội nhập.
Với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì thế giới này trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết. Một chiếc máy bay lao vào tòa nhà thương mại quốc tế tại New York thì chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ sau đã xuất hiện trên các kênh thông tin của tất cả các nước trên thế giới. Do vậy nên các nền văn hóa được xích lại với nhau. Song chúng ta là một nước lạc hậu, chưa đủ bản lĩnh và tỉnh táo để có thể đối mặt được với những cú sốc về văn hóa, những dị biệt về phong tục, những mảng tối màu của nếp sống từ nhiều nơi trên thế giới. Cũng như một cậu công tử em chã suốt ngày chỉ nằm chăn ấm nệm êm bỗng dưng được quẳng ra xã hội với vốn kiến thức bằng không sẽ dễ dàng bị rơi vào các loại tệ nạn. Ở đây, chúng ta bỗng dưng trở thành một mớ bòng bong về văn hóa không dễ gì tháo gỡ. Văn hóa Hàn chúng ta bị nhiễm một chút; văn hóa Nhật cũng bị ảnh hưởng một tẹo; văn hóa Mỹ đôi phần; văn hóa Khựa thì khỏi nói. Bây giờ khi nhìn vào giới trẻ Việt chúng ta sẽ chỉ bắt gặp những Tom, Jimmy, Hảo Su Cù, Chích Song sóc...chứ không thấy đâu là bản sắc dân tộc cả.
3.Chúng ta không có những nhà văn hóa tầm cỡ có khả năng định hướng tư tưởng cho cả một dân tộc.
Một nền văn hóa có được sự định hướng và dẫn đường bởi một tư tưởng sáng suốt và cao đẹp sẽ là một nền văn hóa có bản sắc và không dễ dàng bị mai một hoặc bị pha trộn bởi những luồn văn hóa khác. Nền văn hóa của Khựa lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng trên thế giới là vì Khựa có những nhà văn hóa lớn. Hồi xưa thì có Chu Công, Khổng Tử, Mạnh tử...Gần đây thì có Chu Dung Cơ, Đặng Tiểu Bình. Nước Pháp phát triển như ngày nay là vì họ có Voltare, Decartes, Rosseau. Nước Mỹ có Thomas Jefferson, Martin Luther King; Đức có Kant;Nhật Bản có Fukuzawa Yukichi. Họ là những con người kiệt xuất mà tư tưởng của họ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của toàn dân tộc.
Việt Nam chúng ta thì sao? Các bạn cũng biết chúng ta có 3 danh nhân văn hóa được Unesco công nhận, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh. Nhưng Nguyễn Trãi cũng chẳng để lại một tư tưởng gì đặc biệt cho hậu thế vì thời của ông vẫn đắm chìm trong Nho giáo. Nguyễn Du chỉ là một nhà thơ chứ không phải một nhà tư tưởng. Cụ Hồ là một cá nhân kiệt xuất không thể phủ nhận, nhưng cụ chỉ để lại những lời răn dạy nhỏ lẻ chứ chưa có một hệ thống lý luận chặt chẽ mang tầm cách mạng. Trong cụ chỉ có mỗi Mác-Lê mà thôi. Một nhà tư tưởng lớn phải là một trí thức hàng đầu có tầm bao quát sâu và rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, chúng ta đã có những ngôi sao sáng như Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Trọng Kim, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Hữu Đang...Họ là những trí thức có tầm hiểu biết rất sâu rộng và có một mức độ ảnh hưởng nhất định với xã hội. Nhưng cho đến nay thì...tắc tị. Tuy số lượng Giáo sư tiến sỹ là rất nhiều nhưng tất cả họ đều thiếu một cái gì đó để có thể gây ảnh hưởng tích cực lên đông đảo quần chúng.
Còn nhiều nguyên nhân nữa nhưng tựu trung lại thì đều là do 3 nguyên nhân trên gây ra.

Anh Minh cũng định nêu ra các giải pháp hữu hiệu nhưng tay đang mổ phím bỗng chùn con mẹ nó lại. Nghĩ đi nghĩ lại, giải pháp bàn giấy có logic chặt chẽ đến đâu thì cũng chỉ là chủ quan, duy ý chí. Giải pháp hữu hiệu nhất đến từ các bạn, em của anh Minh. Ngay từ bây giờ, anh Minh muốn tất cả các bạn khi ra đường cũng như ở nhà, hãy cố gắng để thể hiện rằng mình là một con người văn minh lịch sự. Đừng nghĩ rằng một mình mình văn minh thì chưa làm được cái con kặc gì cho đời. Anh Minh nhớ là đã từng đọc đâu đó trên mạng 1 đoạn văn khá hay, tên là" đừng đợi":
Đừng dể nhìn thấy một nụ cười rồi mới mỉm cười lại .
Đừng để đến khi được yêu thương rồi mới yêu thương lại
Đừng đợi đến khi cô đơn rồi mới nhận thấy giá trị của tình nhân ái
Đừng đợi có một công việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu làm việc
Đừng đợi đến khi có thật nhiều rồi mới sẻ chia đôi chút
Đừng đợi đến khi vấp ngã rồi mới nhận thấy những lời khuyên
Đừng đợi đến khi có thời gian rồi mới rèn luyện bản thân
Đừng đợi đến khi người khác buồn lòng rồi mới nói lời xin lỗi
Ở đây, anh Minh xin góp thêm 1 câu, cũng là lời khuyên dành cho các bạn:
"Đừng đợi cho đến khi tất cả mọi người đều văn minh rồi mình mới văn minh"
Anh nhắc lại, đừng đợi.
Nguồn:   blog phot_phet

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Chán !

Chán thực sự.
Vẫn 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Lòng tin giảm đi nhiều.
Đây là câu nói thú vị của Tiến sĩ Cù, xin trích đoạn thích nhất: với riêng tôi, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, thì tôi chấp nhận mọi hy sinh, kể cả hy sinh cuộc đời tôi, thân xác tôi, để cho đất nước này được tốt đẹp lên. Tôi chấp nhận hết. Nhưng tôi chấp nhận như vậy không có nghĩa tôi chống nhà nước, chống chế độ này.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Hà Nội là một ngôi làng

Tác giả: Hân Võ (viết Note trên facebook).

Một mình từ Xì Gòn ra HN, 00:10 AM, sân bay quốc tế Nội Bài chào đón Hân bằng một cơn mưa nặng hạt, thế nhưng chưa ấn tượng bằng 1 rừng các bác tài xế taxi đủ mọi thương hiệu chèo kéo, mời gọi đến tận cửa sân bay, với đủ loại giá. Ký ức hiện về, Hân nhớ cách đây 7 năm, lần đầu tiên vào Xì Gòn, bến xe miền Đông cũng đón tiếp mình y như vậy. Chợt nhớ Xì Gòn khủng khiếp, nhớ cái trật tự như mặc định của sân bay Xì Gòn.
Một hồi định thần cũng mò đến được cái xe của sân bay (Một bạn ở HN mách cho cái dịch vụ xe cộ này của sân bay). Leo lên nó chở thẳng về trung tâm thành phố (cách ít nhất cũng 33 km ) . Đi mãi, đi mãi… Hân vẫn chỉ thấy 1 màu đen thui, đèn điện lờ mờ, xe cộ lác đác…Giống y vẫn còn ở quê. Hân: Bác tài ạ, sao đi mãi mà chưa đến nơi nhễ? / Bác tài: Đã đến nơi rồi đấy thôi, xuống đi nào! / Hân: @@. Trời ah! Đã nghe HN ngủ sớm, nghỉ sớm mà vẫn không thể hình dung được giờ này (1:30AM), Hân có thể đứng yên trong bóng đêm tĩnh lặng ngay tại trung tâm HN. Wow…..
Bà Cherry + bồ của Cherry đón và chở Hân đi ăn, đi dạo! Ăn xong thì đi vòng vòng ra chợ (gần cầu Long Biên) mua trái cây về KS ăn. Đi đến 1 đoạn đường, Hân: Ái!!Sao anh chở tụi em vào hẻm làm gì thế!? Hẻm cụt ah!? Tối thui nè!... / Bồ Cherry: …... / Hân: Óa, nó là 1 con đường, hổng phải hẻm. Hóa ra đường xá HN bé tí hi, lại tối, làm Hân lầm hàng, nghĩ đó là cái hẻm cụt ).
Mệt quá! Về KS ngủ! Mai lên công ty ra mắt nhommua Hà Nội , đi dạo phố xá Hà Nội. Hahahah…..
Đó là đêm đầu tiên tại HN. Chuỗi ngày còn lại Hân không ghi chép, không cố gắng nhớ và không nhớ cụ thể đã làm cái gì. Chỉ có những cảm nhận, không biết nói ra thế nào để không bị xem là dìm hàng Thủ đô, dìm hàng người dân Thủ đô, dìm hàng lối sống Thủ đô…

1. Phép vua thua lệ làng (Đã nói HN là 1 cái làng mà lị):

-Sáng Hà Nội, khá tấp nập. Đều đầu tiên đập vào mắt là cái hình ảnh mấy liền anh liền chị phóng xe như bay trên phố mà trên đầu không có cái nồi cơm điện, xe máy thì không cần phải có kiếng chiếu hậu, đèn xanh đèn đỏ nhiều khi để trưng bày là chính… What the f**k! Cố dõi mắt tìm mấy chú CAGT mà khi thấy rồi thì càng thất vọng hơn. Mấy chú ấy còn có giá trị trưng bày cao hơn cái cột đèn giao thông kia. Sau 1 thời gian tìm hiểu mí biết, ở đây chẳng có cái luật lệ gì sất, mà chỉ có mối quan hệ kiểm soát mọi thứ! CA lười bắt xe vì bắt vào nó gọi cho người quen làm nhớn nhớn rồi cũng phải thả nó ra, ngại xử mấy thằng đua xe đánh nhau vì sợ nó là con của ông này bà nọ thì chết cả lũ, ngại xử phạt văn minh đô thị linh tinh vì đó chẳng liên quan gì mình… Lệ làng nó vậy! Luật lệ phép vua gì thì cũng phải thua lệ làng!
-Thật khó để cho con người ta giữ mình trong hoàn cảnh này. Hân leo lên taxi, taxi chạy lấn tuyến! Leo lên xe ôm, xe ôm vượt đèn đỏ! Leo lên xe 1 sale, xe không kiếng chở 3 + lấn tuyến + vượt đèn đỏ + không nón bảo hiểm bonus đua với CS cơ động @@. Nếu bắt lại chỉ cần cầm phone lên, gọi gọi, nói nói… Mọi thứ quá dễ dàng, và người HN (và miền khác) nhiều khi không cần phải cố gắng làm những thứ mà họ cảm thấy không thích. Ngay cả người nước ngoài ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi điều đó, nếu nhìn vào cách lái xe mà không nhìn mái đầu vàng lơ thơ kia thì họ cũng như người VN y đúc!
-Hơn 50% số xe lưu thông trên đường phố HN không có kính chiếu hậu và gần 10% người không đội nón bảo hiểm hoặc chở 3, v.v…

2. Hồ Con Rùa (và có thể là những hồ khác nữa) là 1 cái ao làng:

-00:20AM, ra ngồi uống nước ăn hạt hướng dương ở Hồ Con Rùa, ah không, Hồ Gươm. Mắt ngắm phố xá, tai nghe mọi người nói, miệng trả lời mà trong đầu chỉ nghĩ đến cụ Rùa. Không biết Cụ chữa bệnh xong chưa nhễ? Có khi nào mình được thấy Cụ nổi lên không!?...
-1:35AM đi về. Hân mắt chữ A, miệng chữ O rồi chuyển sang chữ Đ… khi nhìn chị hàng quán cầm từng ly nước hắt vun vút thẳng xuống hồ, nào là café nhá, Sting nhá, C2 nhá… Cụ tha hồ mà uống nhá! Thưởng thêm đĩa hạt tụi này đang ăn dở nữa này. Quá ngạc nhiên, Hân đi qua 1 bên. Chợt nhìn xa xa, một anh sồn sồn đang dạng chân chữ Bát, cầm buồi hướng thẳng xuống hồ! Quay đi chỗ khác, thấy ngay tấm bảng cấm “mặc áo ba lỗ, quần đùi tập thể dục” tại hồ….
-Không biết người dân HN quan tâm đến cụ rùa thế nào, báo chí viết về cụ ra sao, nhà nước chữa trị đến đâu rùi!?... Nhưng với cách sống và hành xử với Hồ Gươm như thể một cái ao làng thế này, họ - cư dân thủ đô đang biến mình thành những người dân làng xấu xí và thiếu văn minh trước mắt người nơi khác. Và, những lời họ quan tâm đến Hồ Gươm trên các báo đài gì gì đó cũng trở nên sáo rỗng chưa từng thấy.

3. Lối sống làng quê, văn hóa vỉa hè:

-Deal đồ ăn HN trên 
www.nhommua.com bán chậm ghê! Sao thế nhỉ!? Chỉ đơn giản là do lối sống làng quê nó chi phối tất.
- “Hàng quán” là từ phổ biến ở HN hơn từ “Nhà hàng”. Hàng quán – những quán nước, quán ăn nhỏ có mặt ở khắp mọi nơi ở HN, từ vỉa hè, ven hồ đến cả trên cầu Long Biên, từ ngồi trên ghế nhựa cho đến trải chiếu ra ngồi... Người dân, hầu hết cũng chỉ lê lết ở hàng quán, và thích ở hàng quán hơn nhà hàng. Người giàu cũng như người nghèo, già cũng như trẻ, ăn chơi hay hiền lành… Mặc dù là nhiều khi nó cũng không rẻ hơn Nhà hàng là bao, nhưng người dân ở đây họ thích cảm giác ngồi ghế ngồi chiếu nhâm nhi từng ngụm nước vậy… Thậm chí Hân còn thấy 1 nhóm người ngồi hút shisha bên vỉa hè khu phố cổ Mã Mây mới ghê chứ @@.
-Mà dù cho deal đồ ăn nhommua có hấp dẫn đến thế nào thì cũng khó có thể thu hút 1 số lượng lớn KH đam mê thịt chó – loại thức ăn phổ biến từ xa xưa ở đây nhưng Ms. Vivian kinh tởm và nhommua không thể deal - vào mua voucher.

- Ngại đi xa: Người trong làng rất ngại đi xa. Hân hỏi 1 sale trong nhommua HN: Từ nhà bạn đến công ty bao xa nhễ?! / Sale: Xa lắm cơ / Hân: Mấy km? / Sale: Những 5-6km cơ / Hân: @@ (Câu trả lời này được nhìu người xác nhận là: XA)
-HN đã nhỏ, không được bao nhiêu Nhà hàng, dịch vụ. Dân số chẳng được đông mà còn hay ăn uống lề đường. Nay còn ngại đi xa thì đâu ra vài ngàn người mua deal?!? Thật tình thì sống đến bây giờ Hân chưa bao giờ nghe người dân thành phố nói 5 km là xa cả, chỉ nghe dân ở quê nói thế thôi. Hahahah, 5km đi làm là cả 1 niềm mơ ước của con Vân Cao và bà Hạnh Dzú ở công ty mình ý chứ .
- Ngay cả xăng dầu mà cũng mang đậm văn hóa vỉa hè thì Hân Võ cũng chào thua. Cứ đi tầm vài trăm mét là sẽ có 1 điểm bán xăng vỉa hè. Xăng vỉa hè là nguồn cung chính của dân Thủ đô vì theo Cherry – người sống ở đây hơn 4 tháng, đi không thiếu con đường nào thì cũng chỉ biết được 2 cây xăng thôi. Hân cũng đã phải đổ xăng vỉa hè vì tìm mãi không thấy cây xăng nào cả .

4. Ai thích gì thì làm nấy, không cần quan tâm đến quy định, không cần để ý đến người khác:

- Câu chuyện 1: Hân đi Văn Miếu. Mùa thi. Rất đông! Hai khu vực tượng bia Tiến sĩ là cả một đội ngũ Tình nguyện viên đứng canh gác vất vả dòng người bu quanh, chỉ chực mấy cu cậu sơ hở là nhào vào sờ ngay đầu anh rùa. Mặc dù đã rào quanh, để biển cấm…nhưng cũng phải cần thêm hàng rào người canh gác. Thế mà vẫn chẳng ăn thua, đầu rùa vẫn cứ bị sờ….Nhẵn thính!
-Vào điện Thái học. Một nùi người đang đứng khấn vái trước tượng thờ. Bỗng có 2 chị sồn sồn len lén tiến thẳng vào gần chân tượng khấn lấy khấn để. Bảo vệ: (khều tay 2 chị) Chị à! Mời chị ra cho! / Hai chị: (khấn khấn vái vái) / Bảo vệ: (vẫn khều) Đã nói là ra ngay! / Hai chị: (vẫn khấn khấn vái vái) / Bảo vệ: (Biểu hiện bất lực) Ôi giời ạ! Đã chặn thế này rồi mà vẫn cứ vào được! / Hai chị: Vẫn khấn vái…Xong! Liếc xéo bảo vệ 1 phát, ung dung nguẩy mông đi ra… Hân Võ chứng kiến từ đầu đến cuối. Đứng hình một vài giây. Và không nói được lời nào…

- Câu chuyện 2: Hân xếp hàng đi thăm Idol của mình (Bác Hồ í ). Thứ 7 nên đông khủng khiếp, mấy đứa nước ngoài cũng nhiều. Hàng người dài dằng dặc. Cảm giác như có người chen lấn từ sau. Kệ! Giọng 1 đứa con gái vang lên: Đi thế này thì đến khi nào mới vào được nhỉ? Đứa kia: Ối giời, mình phải nẻn (lẻn) vào giữa hàng, vậy vào đó mới nhanh chứ hơi đâu nại (lại) đi nghe nời (lời) chúng nó, nần (lần) trước tao cũng đi như vậy í. Hân không kệ nổi, nhưng cũng không buồn ngoảnh đầu lại nhìn…

5. Tách biệt làng mình với dân làng khác:

- Vấn đề ở đây của Hân, và cũng là của rất nhiều người khác, là: Đi mua đi ăn bất kỳ thứ gì với cái giọng miền Nam + miền Trung sẽ phải trả 1 cái giá cực kỳ sốc + ấn tượng khó quên. Gấp 3 lần giá của dân trong làng mua là chuyện bình thường. Dù có thể chuẩn bị trước cho điều này nhưng khi gặp phải chắc chắn vẫn không khỏi bất ngờ. Muốn khỏi bị vậy thì chỉ có cách chỉ trỏ rồi thanh toán thôi. Cứ như bị câm ý! ))
Hân: Đệt! Sao dân HN chúng mày điêu thế?! (Kể lại câu chuyện mình bị chém).
Sale HN: Giời ạ! Chị phải trả giá trước khi gọi đồ cơ! Em thỉnh thoảng còn bị chém huống hồ là chị. Nghe giọng chị thì chúng nó sẽ chém đẹp thôi.
Hân: Uhm, cảm ơn… Nhưng Xì Gòn không thế…
-Giờ thì Hân đã hiểu rằng HN là 1 cái làng. Mà đã là cái làng rồi thì người làng khác vào tao đếch quan tâm. Chúng mày thi thoảng mới vào làng tao, mua cái gì thì tao cũng chặt chém thế đấy! Làm gì được nhau nào!? Không mua thì biến! Chính cái thói quen và suy nghĩ đấy mà người HN làm dịch vụ rất tệ và chộp giật. Chỉ mong được cái lợi ích ngay tại lúc bán hàng cho người khác. Vậy nên người miền khác đến HN đã không chấp nhận nổi và không có ấn tượng tốt đẹp với nơi này.
- Hân đi 1 vòng sơ sơ HN và thấy được hai biển hiệu rất là phân biệt vùng miền: Bắc Kỳ karaoke và Tonkin Coffee. Thế này thì ai nói người miền Nam phân biệt, chia rẽ đoàn kết dân tộc???

6. Tinh thần tự giác không cao:

- Ra HN và lên công ty đủ 6 ngày. Chưa biết thế nào mà nghe kể thôi đã khó hiểu. Ngay tại công ty, toàn là những người thân quen ra vào mà tình trạng mất đồ diễn ra thường xuyên. Mất nón bảo hiểm, mất áo mưa, và mất cả giày dép. Ở đây mọi người chạy ra thích sọt vào đôi dép nào là sọt, xài cái nón nào là xài, mặc áo mưa nào là mặc… Khi nào nhớ ra thì đem trả, không thì thôi, xài luôn… Ít ai tự giác đem trả khi mà họ tự ý lấy đồ người khác để mình xài. Và tình hình này từ trước đến giờ vẫn không kiểm soát được, vì đó là một thói quen khó đổi...
- Vào công ty, đi đến đâu là có giấy dán đến đấy, từ tầng trệt đến sân thượng. Với những nội dung như: “Ai hút thuốc trong phòng sẽ bị phạt ….. VNĐ”; “Ra vào nhớ đóng cửa, nếu không bị phạt …. VNĐ”; “Mang dép toilet ra ngoài sẽ bị phạt … VNĐ”… Những cái nhỏ nhỏ như vậy Hân có hỏi là tại sao mọi người không tự giác làm được mà phải dán giấy đầy tường công ty thế?! Cũng không có câu trả lời rõ ràng. Vì làm sao rõ ràng được khi không có ai dám nói thẳng nguyên nhân là do Tinh thần tự giác không cao.
- Hân đi ăn 1 quán rất chi là nổi tiếng và đông đúc nhưng khi vào toilet thì gần như ngất xỉu tại chỗ. Cuộc đời Hân đến giờ chưa từng thấy cái WC nào dơ đến vậy. Chỉ có 99% người vào đây không có ý thức, không tự giác vệ sinh cái của nợ của mình thì đến lượt Hân nó mới ra nông nổi vậy. Damn thiệt!

7. Những cái linh tinh khác:

- Làng bị hiện đại hóa nửa vời, phố cổ cũng cổ nửa vời. Nếu như bạn muốn xem cái “cổ” của 36 phố phường HN thì chịu khó ngước lên tầm trên 5m. Còn nếu đi dạo mà tầm nhìn ngang tầm mắt thì cũng chẳng thấy cổ gì đâu. Vì phía dưới toàn là biển hiệu, ô dù, sản phẩm hiện đại trưng bày, thậm chí là Club. Chúng được cải tạo hết trơn để phục vụ cho công tác kinh doanh, chỉ có tầng trên của ngôi nhà là còn giữ lại cái thiết kế cổ kính ban đầu của nó. Hân chẳng thích cái hỗn hợp này. Cái gì phải ra cái đó! “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đã thấy trong sương hàng tre bát ngát…”. Giờ thì còn đếch gì cái “hàng tre bát ngát” ấy nữa. Vậy cũng đâu có sao! Nhưng nếu mà “hàng tre bát ngát” nằm kế bên bảng hiệu quảng cáo LV hay Gucci thì sao mà chịu nổi!!! Nhễ!
- Dân HN ngủ rất sớm và dậy cũng sớm! Nói túm lại thì giờ giấc làng này cũng không chênh lệch với quê của Hân là mấy . Thật tình thì cũng chưa hiểu được tại sao thế này! Chính vì cái việc dân HN ngủ sớm mà việc tìm quán ăn sau 11PM hết sức khó khăn. Phải đến 1 khu phố đặt biệt chuyên dành cho dân ăn đêm mới có cái cho vô bụng. Nếu ở chỗ khác thì việc ngồi đến tầm 10PM bị đuổi về là bình thường. Cả HN không có Shop & Go 24H vì nếu mở ra cũng chẳng có ai ra đường mà mua. Hahahah….

-Dù thế nào thì cũng nhờ cái chất “làng quê”, nét cổ kính của mình mà Hà Nội thu hút nhiều khách du lịch, và Hân cũng chỉ là một trong những du khách ấy. Hân đến để khám phá, chiêm ngưỡng, học hỏi những nét văn hóa, kiến trúc vật thể lịch sử và lối sống của người dân Hà thành. Vậy thôi! Vì không ai có thể phủ nhận được những giá trị lịch sử văn hóa lớn lao của những di tích, kiến trúc, làng nghề… của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Nhưng nếu để hòa mình vào cái lối sống này thì Hân xin phép đầu hàng ngay từ ngày đầu… Hân Võ không hề phù hợp với làng quê Bắc bộ.
                                 (   Nguồn:          blog phot_phet      )