Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

NSƯT Thành Lộc: Sự cô đơn là một...ân huệ.




Thật khó để hình dung ra người nghệ sĩ tài năng ấy đã hành xử và ứng xử thế nào với những cuộc gặp trong suốt mấy chục năm dài hoạt động nghệ thuật. Anh trân quý mọi giá trị, sống bằng chính bản năng anh có, một thứ bản năng nghệ sĩ cuồn cuộn và nhiều năng lượng. Và anh vẫn còn gặp gỡ, thậm chí rất nhiều người nhưng nghệ thuật vẫn là cuộc gặp duy nhất để Thành Lộc luôn là anh đúng nghĩa. 
- Anh là một tên tuổi lớn, một nghệ sĩ uy tín trong giới nghệ thuật, chắc hẳn anh đã nhận được rất lời mời làm ban giám khảo từ các cuộc thi đang tràn lan như hiện nay. Tại sao là VietNams Got Talent chứ không phải là một thi khác?

• Vì đây là cuộc thi không đòi hỏi tính chuyên nghiệp, mà nó mang tính mở rộng. Theo tiêu chí cuộc thi là phát triển, khám phá, động viên những người có tài năng ở Việt Nam tin vào khả năng của mình để họ trở thành một thành tố quan trọng làm cuộc đời này đẹp hơn .Tôi nghĩ điều đó tôi làm được.

- Có những cuộc gặp gỡ êm nhẹ và ngọt ngào, cũng có những cuộc chạm trán nảy lửa và đớn đau. Anh có thể chia sẻ về những cuộc gặp khiến anh suy sụp hoàn toàn, gục ngã đến nổi không thể gượng dậy không?

• Tôi được trưởng thành trong bối cảnh đất nước thống nhất, khi ở lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi mà tôi ý thức được mình là một công dân, mình là một trong những người chủ của đất nước với bao nhiêu hoài bão, tôi đang đứng cái ngưỡng phải lựa chọn cho mình lý tưởng sống. Thì rõ ràng có những con người để tôi tin tưởng và noi theo, ở một thời đại mà người ta sống chủ yếu bằng ý chí, bằng khát vọng tuổi trẻ. Và tôi đã gặp rất nhiều con người mà tôi ngưỡng mộ từ nhân cách, đạo đức, lý tưởng sống, nghề nghiệp. Đến khi tôi bước vào lĩnh vực nghệ thuật thì họ tiếp tục là kim chỉ nam để tôi theo họ, rồi đến một thời điểm tôi bất ngờ phát hiện ra họ là những kẻ nói dối, tôi sụp đổ hoàn toàn. Lẽ ra tôi là người đi theo họ, cuối cùng họ chụp mũ cho rằng tôi là một kẻ mang tư tưởng phiến loạn.

Có một thời gian tôi tưởng rằng mình không thể hoạt động nghệ thuật ở đất nước và lúc đó tôi cũng đã từng nghĩ đến cái chết. Đối với một thanh niên với lý tưởng sống rất mạnh như tôi thì điều đó vô cùng khủng khiếp vì mình đã hy sinh cho những điều không có thật. Có thể tôi chia sẻ những điều này, các bạn trẻ sẽ cười vào mũi tôi, nhưng các bạn không nghĩ vào thời điểm đó tinh thần và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng gần như là tất cả. Và cái gì đã lôi kéo mình quay lại với cuộc sống thực tại thì đó chính là nghệ thuật. Nghệ thuật giúp tôi đi chính bằng đôi chân của mình, nghệ thuật làm mình tin hơn vào cuộc sống, và chính nghệ thuật cũng giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống này còn rất nhiều điều đẹp đẽ và trong sáng.

Nếu có cuộc gặp gỡ nào mà để lại dấu ấn và tôi xem đó như ân nhân của mình thì đó là nghệ thuật và tôn giáo.




- Và anh đã gặp lại những kẻ lừa dối mà anh từng tôn sùng?

• Quả thật, trái đất tròn và không quá lớn như tôi nghĩ. Tôi đã gặp lại họ rất nhiều lần, nhưng tôi không sợ mà tôi khinh, vì tôi nghĩ tôi cao hơn họ. Tuy nhiên, cảm giác ấy không dễ chịu chút nào khi mình còn khinh tức là lòng mình còn nặng, còn lưu tâm tới họ và phát sinh những kiểu ứng xử chẳng hay ho gì, cũng chính nhờ tôn giáo giúp tôi quên từ từ. Và cho đến bây giờ họ trở nên như người xa lạ tự nhiên tôi cảm thấy mình bao dung hơn, và một cái cười, chào hỏi thì không quá khó chút nào.

- Có thể nói cuộc gặp giữa Thành Lộc với Idecaf là một cuộc gặp khá hoàn hảo, anh có thể nói gì về điều này ?

• Nếu nhìn ở một góc độ nào đó thì điều này tương đối là đúng, bởi tôi là một người có xu hướng nổi loạn, cho nên khi làm việc với hệ thống quản lý áp đặt là tôi muốn vùng thoát ra ngay. Khi tôi quyết định hùn vốn với Huỳnh Anh Tuấn để mở sân khấu Idecaf là một trong những sự chọn lựa mang tính bước ngoặt, tôi muốn khẳng định vai trò cá nhân của mình mà không chịu sự quản lý áp đặt của ai cả, tôi muốn tôi là chính tôi, làm điều mà tôi muốn.

- Anh và Huỳnh Anh Tuấn là bộ đôi khá hòa quyện để tạo nên thương hiệu Idecaf của hiện tại. Một cuộc gặp nhau có tính toán chăng ?

• Tuấn là diễn viên trong đoàn múa rối thành phố, rất thích hoạt động cho sân khấu thiếu nhi, tôi cũng thích nhánh hoạt động cho thiếu nhi. Trước khi chúng tôi là bạn với nhau, Tuấn là người hâm mộ tôi từ lâu rồi mà tôi không biết. Tuấn cũng thích nổi loạn, tính cách rất hợp nhau nên chơi với nhau suốt một quá trình dài, rồi cùng nhau hợp tác hoạt động sân khấu cho thiếu nhi, và chúng tôi quyết định thành lập công ty để hợp thức hóa mọi thủ tục cần thiết, trải qua bao nhiêu khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng chúng tôi đã cùng nhau vượt qua tất cả, để có một Idecaf như ngày hôm nay .

- Idecaf hiện tại đã xây dựng được 3 thế hệ nghệ sĩ: Anh, Thanh Thủy, Hữu Châu, thế hệ thứ 2 là Đình Toàn, Đại Nghĩa, Hương Giang, Đức Thịnh... Và một thế hệ trẻ mới là Lương Thế Thành, Quốc Trường, Xuân Thùy…Anh nghĩ gạch nối giữa 3 thế hệ ấy có thật sự khó khăn không?

• Với tôi, mọi chuyện hoàn toàn đơn giản. Bởi chúng tôi là những nghệ sĩ vì nghệ thuật, vì khán giả. Ở Idecaf hoàn toàn không có sự phân biệt hay so đo, tính toán. Mỗi người phải tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm và hơn hết là sứ mệnh của chính mình cho từng vai diễn. Chúng tôi gặp nhau bằng chính sự thân thiện, ai đi trước chỉ bảo người đi sau, hậu sinh phải kính trọng, lễ phép người tiền bối. Chúng tôi tôn trọng nhau, và nâng nhau lên chứ không có chuyện đối xử không công bằng với bất kỳ một ai. Tôi nghĩ, Idecaf vẫn còn được khán giả tin yêu vì chính tôi xây dựng được một đội ngũ với những con người vì nghệ thuật quên mình như thế. 




- Cuộc sống là một cuộc gặp gỡ dài giữa con người với số phận, giữa nỗi đau và hạnh phúc, giữa cái thánh thiện và đen tối, vậy theo anh con người nên ứng phó như thế nào với cuộc đời của chính mình ?

• Sống hồn nhiên và hết mình. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để hạn chế bi kịch có thể xuất hiện vài ba lần trong đời một con người. Khi gặp bất hạnh, anh có quyền gục ngã, nhưng anh phải đứng dậy hiên ngang và bình thản đi tiếp, đó mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ trên đời này chẳng có ai hay ho dạy ai phải sống thế nào, bởi mỗi chúng ta là một cá thể riêng lẻ và độc lập, và chẳng có ai là phiên bản của ai hết. Tôi cho rằng, sống là để gặp nhau chân thành, đối xử chân thành và thù oán nhau cũng phải… chân thành.

- Với người bạn mang tên ‘‘cô đơn” anh nói gì về người bạn này ?

• Cô đơn là một trạng thái cảm xúc thuộc về cảm giác. Là nghệ sĩ, tôi có cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp, khán giả của mình mỗi đêm nhưng nó không đong đếm toàn bộ xúc cảm trong con người tôi. Cảm xúc thì luôn mơ hồ, không định vị được bằng hiện thực, bằng lý trí. Chúng ta cảm nhận nó bằng sự rung cảm gần như tuyệt đối của ý niệm. Với tôi, cô đơn là một người bạn cần nên có, nó khẳng định giá trị của hạnh phúc, làm mình ý thức nó một cách rõ ràng và trọn vẹn hơn.

- Anh đã gặp rất nhiều người, thậm chí anh không thể nhớ hết họ, thế tại sao anh cứ luôn bảo mình cô đơn ?

• Tôi chưa bao giờ nói mình cô đơn hết. Thật kỳ lạ khi báo chí hoặc đồng nghiệp cứ thay tôi nói những điều đó, chứ tôi có than phiền bao giờ đâu. Nghệ sĩ chúng tôi là những người mang trong mình sứ mệnh đem đến cho con người niềm vui, còn nhận lại riêng cho mình nỗi buồn, cô đơn. Nhiều khi chính những thứ gần như không ai muốn có ấy lại là thứ năng lượng kỳ lạ để chúng tôi tiếp tục sống và cống hiến.

Có thể nói, sự cô đơn  là một ân huệ mà thượng đế đã ban cho chứ tôi không nghĩ đó là một sự ngược đãi mà bao người vẫn tưởng.



Theo Trương Công Lĩnh
 Thể Thao TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét