Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

CANH GÀ THỌ XƯƠNG ĐÚNG LÀ ... CANH GÀ?

“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”

Nguyên văn viết: 裊裊搖風竹,蒼蒼鎮武鐘,壽昌多故舊,同買燉雞湯。煙鎖西湖水,杵驚安泰鄉,河城斯美景,最耐客思量
“Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”
Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.
Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng phải tiếng gà gáy sang canh như các nhà văn, nhà thơ đã tưởng.
Phát hiện này mà đúng thì đó là sự kiện động trời trong văn học.
 Hiệu Minh blog

THỌ XƯƠNG LÀ THỌ XƯƠNG NÀO?

Đi trên phố Phủ Doãn, nếu để ý sẽ thấy một ngõ khá to nằm giữa Ấu Triệu, Ngõ Huyện và xa hơn một chút là phố Chân Cầm.
Nói Chân Cầm chắc nhiều người sẽ nhớ đến hàng miến lươn và đặc biệt là bia Sửu, nay đã chuyển địa điểm. Ngõ Huyện thì hồi trước là karaoke, nay là cà phê, đầu ngõ phía Lý Quốc Sư là hàng cháo sườn buổi chiều rất là đông khách.
Còn Ấu Triệu thì quá nổi tiếng nhờ …Nhà Thờ và các quán cà phê như La Palace và các hàng trà chanh chém gió góc Lý Quốc Sư.
Nhưng cái ngõ kia thì ít người để ý , vì nó chẳng có gì đặc biệt, ngoài cái tên: “Ngõ Thọ Xương”.
Ngõ Thọ Xương là di sản hiếm hoi còn sót lại của huyện Thọ Xương thuộc tỉnh Hà Nội.
Nếu con gà ở đây gáy mà ngoài hồ Tây nghe thấy, hẳn con gà ấy phải to hơn con bò. Còn người đứng ở hồ Tây mà nghe thấy gà ở ngõ Thọ Xương gáy thì tai to hơn tai con bò.
Không biết ai đó trong chính quyền Hà Nội sau năm 1954 còn nhớ đến huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội mà đặt tên Thọ Xương cho cái ngõ này, vốn trước đó có tên Pháp là “ruelle Père Dronet”.
Thọ Xương là một địa danh hơi hơi lâu đời, trước là Vĩnh Xương, sau đến nhà Mạc đổi thành Thọ Xương và tồn tại mãi đến nhà Nguyễn. Thời Gia Long thì Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức. Đến thời Minh Mạng làm vua, cải cách hành chính đất nước, ông lập tỉnh Hà Nội, có bốn phủ (1831). Trong bốn phủ có phủ Hoài Đức, trong phủ Hoài Đức có huyện Thọ Xương, trong huyện Thọ Xương có phường Báo Thiên tức là khu Hồ Gươm Nhà Thờ bây giờ.
Cuộc cải cách hành chính sâu rộng của Minh Mạng đã gây ra sự bất mãn của đám quan lại và quý tộc địa phương, dẫn tới các cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, Phan Bá Vành và Nông Văn Vân, đã có tác động không nhỏ đến sự suy tàn và sụp đổ hẳn của Thăng Long.
Chỉ hơn 40 năm sau khi tỉnh Hà Nội được thành lập thì triều đình Huế ký hiệp ước Philastre với Pháp (năm 1874, sau cái chết của Garnier). Từ Hiệp ước này, người Pháp được mua đất và mở các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Khu vực người Pháp mua chính là khu đất từ phía Hồ Gươm bên này (bên kia là khu phố thương mại hay còn được biết đến với tên Kẻ Chợ) kéo qua khu đầm lầy đến Đồn Thủy. Khu đất này chính là phần đất của huyện Thọ Xương (tương ứng với một phần Hoàn Kiếm và hầu hết phần Hai Bà Trưng cộng một phần Đống Đa ngày nay).
Một năm sau khi Riviere bị quân Cờ Đen bắn chết, tức là năm 1884, quân Pháp đánh quân nhà Thanh bật ra khỏi miền bắc, sau đó ký hiệp ước với triều đình Huế và chính thức biến Hà Nội thành vùng đất do chính phủ Pháp bảo hộ. Thọ Xương đương nhiên trở thành địa danh chết.
Câu chuyện Pháp mua đất làm khu Nhượng Địa, rồi sau đó tái thiết Hà Nội, có thể xem thêm ở đây.
***
Dương Khuê (1839-1902) đã sống và làm quan nhà Nguyễn đúng vào thời kỳ này. Nhưng là ông quan chán đời, chán chính quyền và có tư tưởng chống Pháp. Sau 1884 thì ông từ quan để hưởng thú ăn chơi đặc biệt là món ca trù. Có lẽ ông vẫn nhớ đến huyện Thọ Xương và sự biến mất khi trở thành khu nhượng địa của người Pháp.
Rất có thể trong lúc đi ăn đi chơi, từ lúc làm quan đến lúc làm dân, từ miền trung ra miền bắc, ông đã vô tình biết hai câu thơ (hò?) Huế mà sau này năm 1918 ông Phạm Quỳnh đi chơi như là điền dã Huế đã chép lại và đăng trên Nam Phong. Dương Khuê đã giữ lại một câu, phóng tác câu đầu và viết thêm hai câu đuôi. Thế là ngày nay chúng ta có Hà nội tức cảnh hay còn gọi là Trăng nước hồ Tây.
Sở dĩ nói hai câu kia có gốc Huế bởi Thiên Mụ và Thọ Xương là hai địa danh cụ thể ở hai bên sông Hương, nghe chuông bên này nghe gà bên kia được. Khác với Trấn Vũ và huyện Thọ Xương không chỉ xa nhau mà Thọ Xương là một cái huyện to tướng không cân đối gì với một cái đền (Trấn Vũ) hay một cái chùa (Thiên Mụ).
Còn Thọ Xương ở Huế, có lẽ là một cái gò cao, hình như trên đó có nhà để nuôi các hoàng tử. Tên gọi “Thọ Khương Thượng Khố”. Khi Gia Long lên ngôi thì đổi tên thành Thọ Xương vì kỵ húy Hiếu Khương Hoàng Đế (1802). Khi Minh Mạng làm vua, ông lại đổi tên thành Long Thọ Cương (1824). Còn còn cái tên Thọ Xương thì Minh Mạng chỉ sử dụng cho huyện Thọ Xương ở tỉnh Hà Nội.
Bên này là chuông đêm của tháp chùa bảy tầng, bên kia sông, sau bờ (ngàn) sương khói, là tiếng gà lúc gần sáng của ngôi nhà quý tộc trên gò cao. Thế vừa là có lý vừa phảng phất không khí Phong kiều dạ bạc. Để rồi mấy chục năm sau câu hò ấy lạc bước ra Thăng Long để xuống Hồ Tây còn Phạm Quỳnh thì nhầm tưởng Thọ Xương là làng (thực ra có cái làng chài thật thì phải, tên là Thọ Khương nằm sát bên làng Nguyệt Biều).
Thế là từ Huế một câu thơ lạc bước ra Hà Nội. Một nhà gò sông Hương chuyển về tận hồ Tây. Chứ không phải là Phạm Quỳnh nhầm, đi chơi Huế mà nhặt hai câu lục bát Dương Khuê rồi bảo cứ bảo là của người Huế.
Hay nói cách khác, câu thơ gốc phải là của người Huế, và nguyên bản như sau: “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ xương”.
***
Phạm Quỳnh viết (tháng 4 -1918 trên Nam Phong):
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Dương Khuê sáng tác:
Trăng nước Hồ Tây
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ
Bản dân gian sau này sưu tầm được ở Huế
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết mô tâm sự đôi đường đắng cay? (hoặc Có nghe/biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay)
Nôm na kết luận thế này. Một là Thọ Xương ở Huế có trước. Thọ Xương Hà nội có sau. Khi Dương Khuê sáng tác Hà nội tức cảnh thì cả hai địa danh này đều đã chết. Ở Huế chết trước, ở Hà nội chết sau. Hai là câu thơ Phạm Quỳnh chép lại, không phải do ông ấy bịa ra, mà ông ấy chép lại từ (câu hò?) của người dân kinh thành Huế. Tức là ở đây có thể có hai giả thuyết.
Giả thuyết 1: Dương Khuê đi chơi Huế, hoặc tình cờ sao đó, biết được hai câu hò Huế. Sau đó ông đã sử dụng một câu làm chất liệu để sáng tác bài thơ Hà Nội Tức Cảnh. Việc dùng material của văn hóa dân gian để đưa vào sáng tác mới là việc hết sức bình thường. Một ví dụ điển hình là Ngẫu hứng ngựa ô của Trần tiến.
Giả thuyết 2: Sáng tác gốc là của Dương Khuê, bị folklore hóa, rồi trở thành hò Huế. Việc một sáng tác bị folklore và trở thành tác phẩm dân gian khuyết danh là hết sức bình thường (Tát nước bên đàng, Anh đi anh nhớ quê nhà … là các tác phẩm như vậy). Nhưng folklore một bài thơ tả cảnh tỉnh lẻ Hà Nội mà đi vào kinh đô Huế để trở thành hò (dân ca) địa phương thì hơi khó.
Blog 5xu

NỀN GIÁO DỤC HÓC ... XƯƠNG GÀ.

Nhớ hồi cu Luck đi học vỡ lòng bên Mỹ, cô giáo ra bài, hãy vẽ cầu vồng. Ở thành phố biết cái cầu tròn méo như thế nào, bố ấy vẽ luôn hai trụ, một vạch nối ở giữa và đề “Cầu Vồng”. Cô vẫn chấm điểm “good – 8”.
Nghĩ là giáo dục Mỹ bị “hóc xương gà”, lão bố lầm bầm, tưởng giỏi và hiện đại, hóa ra cũng…dốt.

Tai nạn nghề nghiệp
Mấy ngày nay, báo chí rộn lên về cô giáo Hà Thị Thu Thủy của trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) cho điểm 8 một bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao nổi tiếng viết về Hồ Tây (Hà Nội)
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Phụ huynh phát hoảng khi thấy con bình “canh gà Thọ Xương” là món “canh gà” của Hà Nội.
Chuyện này không lạ. Thời xưa, tôi cũng từng hiểu “canh gà” là món canh nấu thịt gà vì tiếng Việt rắc rối, đồng âm khác nghĩa. Đi học đói khát, nghe canh gà tiết vịt là chảy nước dãi. Hề Sác Lô đi tìm vàng, đói quá, nhìn ông bạn hóa con gà tây thì sao.
Chuyện quá nhỏ mà phụ huynh kiện, báo chí đánh hôi, bạn đọc chế giễu, dù cô Thủy đã giải trình “Có một số học sinh hiểu sai “canh gà Thọ Xương” là món canh của Hà Nội, tôi đã trừ điểm… Tôi đã trực tiếp nhắc các em trên lớp về sửa lại lỗi sai này”.
Dư luận vẫn không tha, cho rằng cô dốt nát, không đủ tư cách đứng trên giảng đường.
Kết quả, giáo sư tâm hồn đi bệnh viện khám tâm lý, đâm đơn nghỉ việc sau áp lực nặng nề tứ phía. Về quê, tắt điện thoại di động và hiện không biết ở nơi nào. Chắc là nàng khóc hết nước mắt.
Các em học sinh ngơ ngác, nhớ cô, lập Facebook, lên internet, kêu tha thiết “cô hãy về với chúng em”.
Ai từng làm giáo viên sẽ hiểu, làm nghề này không đơn giản.
Một lớp 50 học sinh, nộp 50 bài văn, mỗi bài vài trang, nhân lên khoảng 200 trang, bằng một cuốn sách gồm 50 truyện ngắn mà phải đọc trong vài tiếng,  nhận xét, cho điểm. Các truyện cùng nội dung, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, câu  lủng củng, chữ tác đánh chữ tộ,  viết như gà bới.
Chấm 10 bài đầu còn đọc kỹ, duyệt lỗi, chi li từng câu chữ. 10 bài tiếp là có vấn đề vì mắt hoa và môi trường “lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”. 30 bài còn lại coi như tháo khoán. Bỏ qua lỗi “canh gà” xảy ra như cơm bữa.
Hồ Tây nay có như xưa?
Chuyện nhầm lẫn này còn có nguyên nhân khác. Học đi đôi với hành. Liệu học sinh của ta có được đi thực tế để so với những gì viết trong văn thơ?
Lên hồ Tây bây giờ, thấy cành trúc la đà chỗ nào, có nghe gà gáy sang canh, chày Yên Thái giã giấy hay mặt gương Tây Hồ mịt mù khói tỏa mộng mơ?
Hay là thấy nhà cửa nhấp nhô, cái cao, cái thấp, thò ra thụt vào, nửa tây nửa ta, nửa Á, nửa Âu, pha chút kiến trúc đạo Hồi, đôi khi thêm củ hành nước Nga trên nóc.


Hồ thối hoăng, cá chết đầy, nước đục ngầu. Những kẻ câu trộm cá cởi trần trùng trục tha hồ làm mưa làm gió. Có dám chắc là mặt gương Tây Hồ trong thi ca.
Làng Yên Thái đâu còn ai giã giấy mà nghe được tiếng chày. Đất cát bán hết đất rồi, dân có tiền  lao vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút đầy, sáng ra quán nước, hút thuốc lào vặt, chiều đợi lô đề.
Có người vẫn làm giấy, nhưng là thu giấy vụn từ mọi nguồn, kể cả giấy vệ sinh đã qua sử dụng, mang về nghiền ra, rồi làm thành giấy lau miệng. Loại giấy ấy không cần chầy giã.
Làng quanh Hồ Tây đã bị đô thị hóa, nham nhở như Thị Nở, làm gì còn chỗ nuôi gà, để đêm đến nghe được tiếng gà gáy mà gọi là “canh gà”. Thay vào đó là nhà hàng từ hải sản đến thú hoang, gà đồi Vĩnh Phú, gà chân chì hay gà ri thả rông.
Thế hệ ngày nay lên phía Hồ Tây liệu có tưởng tượng ra nơi mà cố thi nhân đi qua cách đây cả thế kỷ và viết nên những áng thơ để lại cho muôn đời.
Với các em, quanh Hồ Tây là nơi hết giờ học có thể chia nhau đĩa ốc luộc, quả ổi, cánh gà nướng, chân gà luộc, lê la nhìn những kẻ bắt cá trộm văng tục chửi thề.
Trong bối cảnh như thế, tại sao người lớn chúng ta cứ bắt các em hiểu canh gà Thọ Xương là gà gáy sang canh cách đây hàng 100 năm.
Đó là vết mòn trong giáo dục, trong gia đình, đầu óc cố hữu và bảo thủ, không chịu nhìn vào thực tế mà dạy dỗ các em. Một nền giáo dục theo khuôn mẫu, văn mẫu, toán mẫu, người mẫu, chỉ tội ra đời là hết cả mẫu mực.
Mải đi theo lối mòn nên học sinh viết khác đi chút là không thể chấp nhận được. Một học sinh phản hồi về Tấm Cám, là Tấm thật ra rất độc ác, giết cả em và gì ghẻ rồi làm mắm ăn, hay em khác lên án tại sao người mẹ – chị Dậu lại bán con. Cả xã hội lên án ầm ầm và nghi ngờ thế hệ tương lai.
Để các em hiểu “canh gà Thọ Xương” là món canh nấu thịt gà thì chẳng chết ai, vì nó thực tế với Hồ Tây bây giờ, vì cái tiếng Việt nước mình nó thế.
Hãy để không gian cho các em tự do sáng tạo, quan sát Hồ Tây và chiêm nghiệm với thơ ca theo cách hiểu của tuổi thơ.
Vĩ thanh
Kết thúc entry, tôi xin kể tiếp về cuộc gặp với cô giáo vỡ lòng của cu Luck. Tôi băn khoăn tại sao cho điểm good (tốt) về cái cầu vồng mà không phải…cầu vồng.
Cô giáo cười, anh nên để trẻ vẽ theo những gì mà chúng cảm nhận. Tại sao cầu vồng phải có bẩy sắc, có lúc chỉ thấy vài mầu thì sao. Mầm mống của sáng tạo và thiên tài được phát huy khi bản ngã và tự do cá nhân được tôn trọng.
Một lần đi câu cá ở Chesapeake Bay, trời mưa chiều, cả nhà reo lên khi thấy cầu vồng. Từ đó cu Luck biết vẽ cái cầu đa sắc mầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
Lúc ấy tôi mới hiểu, chính lão bố mới cổ hủ, được giáo dục trong môi trường “không thể chấp nhận cầu vồng không có mầu”, “canh gà nhất định phải là gà gáy” mà không thể là món xúp gà mà bọn trẻ yêu thích.
So sánh giáo dục Mỹ và nước mình không biết anh nào đang “hóc xương gà”.
(Hiệu Minh blog)

PS. Xin chúc cô giáo Thu Thủy bình an và mong cô trở lại trường tiếp tục giảng dạy môn văn mà cô yêu quí.  Trong hoạn nạn, đám học trò lập facebook gọi cô giáo trở về, các em xứng đáng là chủ tương lai cho đất nước này. Chúng không lập blog trolambao.com hạ bệ cô là may lắm rồi 

KHÔNG CHỈ LÀ ... CANH GÀ

Ngày xưa khi đi học, cô giáo mình có giảng về câu “canh gà Thọ Xương” trong bốn câu ca dao (thực ra là thơ như đã nói) là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh mình đã thấy kỳ kỳ nhưng rồi vì bài ấy không phải là trọng tâm, ngày ấy cũng quá nhỏ nên sự việc cũng nhanh chóng đi vào quên lãng. Khi Vnexpress thổi bùng lên câu chuyện này thì mới có dịp bàn lại.

Khi sự việc mới bắt đầu mình có viết trên facebook, nếu bảo canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy sang canh là rất khiên cưỡng và sai cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Một khi đã ghi “canh gà Thọ Xương” thì theo logic ngữ pháp tiếng Việt chỉ có thể hiểu theo 2 lối:
1 canh (chừng, trông coi) gà (làng) Thọ Xương.
2 canh gà (đặc sản) của làng Thọ Xương.
Chứ đã viết là canh gà Thọ Xương mà bảo là tiếng gà gáy sang canh thoạt nghe khá êm tai, thi vị nhưng ngẫm lại thì rất buồn cười vì nó tréo cấu trúc ngữ pháp. Canh gà là canh gà chứ tiếng gà gáy báo hiệu sang canh là thế nào. Nếu muốn hiểu theo cái nghĩa mà ai đó đã đặt để thì phải phá vỡ hệ thống ngữ pháp Việt Nam.
1. Trước hết ta phải thấy, rất đơn giản canh gà không phải là món chỉ mới xuất hiện ở vài chục năm trở lại đây. Thời của Dương Khuê chắc chắn là đã có món canh gà rồi đấy chứ. Thậm chí đó còn là món ăn quen thuộc nữa là đằng khác. Một khi đã biết, đã quen thuộc với món canh gà nhẽ nào một nhà thơ như Dương Khuê khi muốn nói về tiếng gà gáy sang canh, ông lại dùng chữ trùng với cái món canh gà quen thuộc sao? Vô lý. Bởi không những sai cấu trúc mà nó còn khiến người đọc nhầm lẫn một cách rất ngớ ngẩn. Cho nên, nếu muốn hướng người đọc đến với ý gà gáy báo hiệu sang canh chắc chắn Dương Khuê buộc phải tránh cái món canh gà và diễn đạt khác đi chứ. Nên biết, trước khi nghĩ đến những giá trị nghệ thuật thì việc đầu tiên mà các nhà thơ làm là phải biết chọn lọc từ ngữ để tránh cho việc hiểu sai. Trước khi hay, cần phải đúng đã. Ai đã biết cái món canh gà nó sờ sờ ra đấy lại dùng ngay cái từ nói về món đó để nói về tiếng gà gáy sang canh hả giời?
Lấy ví dụ tôi là nhà thơ, tôi làm hai câu thế này:
Nhớ ngày em gái theo chồng
Vẩn vơ giữa một trâu đồng bao la
Trâu đồng thì chắc ai cũng hiểu, một là trâu bằng đồng, hai là trâu (ở) đồng.
Ý tôi ở đây là cánh đồng trâu, cánh đồng dành cho trâu. Song để hợp vần suông câu tôi có thể dùng trâu đồng không? Rõ ràng là không. Vì tôi biết khi dùng trâu đồng thì cả tôi và các bạn sẽ hiểu đó là trâu (bằng hay ở) đồng chứ làm cách nào mà các bạn có thể nghĩ đó là cánh đồng (dành cho) trâu được? Đúng không? Nếu thế thì tôi buộc phải viết khác chứ, diễn đạt khác đi để trước hết nó phải đúng ý đã chứ. Thế thì tôi buộc phải sửa thành thế này:
Nhớ ngày em bỏ đi đâu
Vẩn vơ giữa một đồng trâu mà buồn.
Đúng không? Tôi phải diễn đạt thế thì cả bạn và tôi mới hiểu chứ. Và canh gà Thọ Xương cũng thế! Cả ông Dương Khuê, tôi và bạn đều biết món này chứ. Thế hà cớ gì ông ấy lại dùng chữ canh gà để nói về tiếng gà gáy sang canh? Chẳng có lý do nào để Dương Khuê làm thế cả trừ phi Dương Khuê có vấn đề về tâm thần.
2. Có thành viên viết trên một diễn đàn thế này: “Sáng nay có cậu bạn làm trong Viện Hán Nôm bảo, trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là bát canh, món canh, không phải canh khuya, canh chầy. Chứng tỏ canh gà là món ăn, chứ chả phải tiếng gà tiếng qué gì cả. Chắc hồi ấy các cụ đi tập thể dục từ sáng sớm, khi chùa Trấn Vũ đổ chuông, quán Thọ Xương mở hàng, các cụ rủ nhau vào ăn canh gà”
Thêm một cái test nữa là bạn hãy ghép hai từ canh ở trên kia với chữ gà thì ta sẽ thấy thế này:
1, bát canh, món canh gà
2  canh khuya, canh chầy gà
Bạn thấy câu thứ 2 có tréo với cấu trúc của tiếng Việt và buồn cười không? Thì thôi vậy, Dương Khuê đã ghi là canh gà Thọ Xương thì ta cứ hiểu là món canh gà ở làng Thọ Xương cho hợp logic vậy. Đừng tỏ ra sâu sắc, hiểu biết quá làm gì cho khổ tiếng Việt mà lại tội con cháu.
3. Theo cách cảm của tôi ở hai câu tám thì Dương Khuê nói về những nét đặc trưng, những gì rất riêng tư gắn liền với các địa danh Hà Nội mà chẳng nơi nào có được bằng tất cả giác quan, lần lượt như sau:
Thính giác: Tiếng chuông Trấn Vũ là tiếng chuông vọng ra từ đền Trấn Vũ, chẳng lẫn vào đâu được.
Vị giác: Canh gà Thọ Xương là món đặc sản của người làng Thọ Xương, chẳng nơi nào có thể chế biến được món canh gà như người của làng này cả.
Cảm giác: Là nhịp chày Yên Thái – một làng chuyên làm giấy. Nhịp chày ấy cũng chả giống với nơi nào cả.
Thị giác: Mặt gương Tây Hồ có thể hiểu ý tác giả là chẳng nơi nào mà mặt hồ phẳng lặng, yên ả tựa mặt gương như Hồ Tây.
Về đặc trưng, nếu bảo đó là tiếng gà gáy từ làng Thọ Xương thì rõ ràng sẽ mất ngay tính đặc trưng, cái nét riêng tư của Thọ Xương vì gà chỗ nào gáy chả như nhau, nhẽ nào gà của làng Thọ Xương lại có một kiểu gáy nào đó rất độc đáo mà gà của các làng khác chả co được? Chỉ có thể là đặc sản của Thọ Xương thì mới có tính đặc trưng.
Về thính giác: Đã có tiếng chuông từ đền Trấn Vũ thì tác giả lôi thêm chi tiếng gà gáy cho vô nghĩa lại thừa ra trong một khổ thơ cô đọng và hàm súc đến vậy.
Thế nên. Canh gà Thọ Xương tôi cho đó là món canh gà của người làng Thọ Xương. Và ai chỉ dạy cho con cháu mình tùy, tôi cũng sẽ gợi ý cho con cháu mình như thế.
4.  Sách giáo khoa cho rằng bốn câu lục bát này "có tính chất là những niềm vui, niềm tự hào, những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của giang sơn đất nước thân yêu" (Giáo trình Văn học dân gian, tập II, NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973, tr.375). Tôi cho đây là nhận định sai lầm vì nguyên tác đây là bài thơ buồn bã và rất thế sự. Hai câu sáu đã nói lên điều đó:
“Phất phơ ngọn trúc trăng tà” nó gợi cảm giác buồn bã về hiện tại. Có thể hiểu vận nước lúc này rất mong manh. Phất phơ nó gợi ra một không gian tẻ nhạt, buồn chán, lại thêm trăng tà. Ngoài sự báo hiệu của đêm sắp hết, thứ ánh sáng của trăng tà còn làm cho người ta liên tưởng đến sự thê lương, u uẩn. Câu sáu tiếp theo “Mịt mù khói tỏa ngàn sương” có thể hiểu tác giả đang nghĩ về tương lai trước mặt. Nó không tươi sáng mà mịt mù, hư ảo, như trong sương. Tức chẳng có gì để hy vọng.
Liên hệ đến vận nước ở thời mà tác giả đang sống ta thấy đất nước hiện giờ rơi vào tay người Pháp, Nho học suy tàn. Vốn là một nhà nho, Dương Khuê bi quan, xót xa cho vận nước lẫn nền nho học là nhẽ dễ hiểu. Và cả sự bất mãn trước thời cuộc nữa. Nên nhớ có nhận xét cho rằng Dương Khuê là đại diện tiêu biểu của khuynh hướng “thoát ly hưởng lạc” trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 19. Người ta cho rằng Dương Khuê lấy thơ, rượu, ca xướng để tiêu khiển…Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực hơn thì đó cũng là thể xem là một thái độ phản kháng nhẹ nhàng. Những tâm sự, trở trăn về mình, về xã hội mà ông đang sống được gửi gắm vào thơ văn, đó cũng là cách giúp ông giải tỏa bất mãn.
Như vậy, không phải là niềm vui hay tự hào về vẻ đẹp của giang sơn đất nước gì cả. Lồng giữa hai sáu tả tâm trạng là hai câu tám nói về những giá trị đặc trưng của Hà Nội có thể thấy bài thơ này là một dự cảm xót xa, lo lắng mất mát những điều gì đó rất gần gụi, giản dị mà cũng rất đỗi thiêng liêng của tác giả. 
Đó là cảm nhận mang tính cá nhân của mình về bài thơ Hà Nội tức cảnh của nhà thơ Dương Khuê.

5. Còn vì sao người ta cứ cố mà nghĩ canh gà Thọ Xương thành tiếng gà gáy báo hiệu sang canh? Lẽ đơn giản là ở một dân tộc bé mọn, yếu đuối và đầy rẫy sự mặc cảm, tự ty người ta hay cả nghĩ, nghiện ước lệ và thờ phụng chủ nghĩa sâu sắc. Họ tin rằng những điều đó sẽ cứu rỗi được họ. Cũng như đàn bà xấu thì mê mệt son phấn, kẻ dốt nát thì thích bốc phét, văn hoa. Nếu chả thế họ sợ bị đánh giá là tầm thường ít học. Ngay cả khi đứng trước một điều gì đó rất gần gụi, giản dị thì họ vẫn không dám chấp nhận nó, họ vẫn cố nghĩ cho nó sâu vào và cao lên để tự an ủi. Hoặc đã nghĩ là thế nhưng chẳng dám nói vì sợ nói ra mình đâm khác mọi người, xứ bầy đàn thì ai dám tách mình ra khỏi đám đông?
Thật ra muốn cao, muốn sâu cũng chả sao vì ai chả có quyền làm thế nhưng nên nhớ cũng cần có cơ sở chứ nhỉ!? Chứ canh gà lại nghĩ là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh e cũng buồn cười và dễ biến mình thành kẻ ảo tưởng, nếu không thì thần kinh có lẽ cũng đứt vài sợi mẹ nó rồi.
Đùa vui thế chứ mình cũng nghĩ canh gà là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh cho cho thanh cao và sang trọng. Thi ca ai lại nỡ quẳng vào đấy bọc canh gà vào đấy, thế hóa ra tầm thường quá, phàm tục quá giữa một đất nước thừa mứa sự thanh cao. Thanh cao đến nghẹt thở! Thanh cao đến mức vì yêu nước mà mấy anh Việt kiều lấy clip sex để trị tin đồn. Ác ghê chưa? Sang đến tận Mỹ mà sống rồi vẫn dứt khoát không bỏ bớt thanh cao.
By Hà Cao

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Trang Quan Làm Báo bị hack và bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bôi nhọ

Giữa lúc Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong tuần họp thứ nhì, trang blog có nhiều bài về chính trị Việt Nam ‘Quan làm báo’ không còn cập nhật được ở địa chỉ quanlambao.blogspot như mấy tháng qua.

Chập tối hôm thứ Ba 9/10 giờ Việt Nam, người đọc khi bấm vào địa chỉ này được dẫn đến một tên miền khác là quanlambao.info và thấy một thông cáo của một nhóm người ẩn danh xưng là ‘đang sinh sống ở hải ngoại’ và cho đăng bài tấn công cựu dân biểu Việt Nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Những gì đăng tải tại đây cho rằng bà Hoàng Yến đứng đằng sau trang Quan làm báo nhưng cũng cảnh báo là họ đã “hoàn toàn nắm được tất cả thông tin, các hoạt động của bà tại Hoa Kỳ, thì chúng tôi đưa thêm các thông tin khác của bà để bà tự thẩm định”.

Trong phần ảnh đăng trong bài có cả nhiều ảnh của gia đình và con cái bà Đặng Thị Hoàng Yến chụp ở Hoa Kỳ.

Về quan điểm chính trị, thông báo của những người mà có vẻ đã chiếm địa chỉ của Quan làm báo chỉ tập trung vào bà Hoàng Yến để giải thích lý do việc làm của họ:

Trang quanlambao.info nay có bài phê phán nặng bà Đặng Thị Hoàng Yến

“Chúng tôi là những người sinh sống tại hải ngoại tuy chưa đồng tình với sự lãnh đạo hiện nay của Nhà nước Việt Nam nhưng cũng tuyệt đối không thể đồng tình với các hành động vu khống bỉ ổi, bịa đặt hèn hạ nhằm đưa đất nước Việt Nam vào cảnh nguy cơ nồi da xáo thịt để thu lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích của bà.”

Tuy nhiên, các bài đăng trên quanlambao bộ cũ và cách viết trên bài mới nhất hôm 9/10 tìm cách quy bà Hoàng Yến là người đứng đằng sau trang web bị cho là tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không dùng văn phạm theo cách các Việt Kiều ở Hoa Kỳ hay nơi khác thường dùng.

Trang Quan làm báo cho đến sáng ngày hôm nay vẫn còn các bài phê phán nặng các nhân vật lãnh đạo Việt Nam họp Hội nghị Trung ương 6 ở Hà Nội trước ngày bỏ phiếu quan trọng vào thứ Tư này.

Đây là cuộc bỏ phiếu các nhà bình luận bên ngoài cho rằng có tính quyết định với uy tín và vị trí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhóm điều hành kinh tế trong chính phủ của ông.

BBC chưa liên lạc được với bà Đặng Thị Hoàng Yến để hỏi về những diễn biến mới nhất liên quan đến bà.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC qua điện thư email trong tháng 9, bà nói bà không đứng đằng sau trang quanlambao.

Tin về trang blog, với nội dung chính công kích Thủ tướng, bị chiếm quyền kiểm soát đang thu hút dư luận trong tối ngày 9/10.

Một cây bút, Trương Duy Nhất, viết trên blog rằng bài viết mà hacker đang đưa ra “có nhiều hình ảnh riêng tư của con gái và người thân gia đình bà Yến bị tung lên theo lối bôi nhọ rất hạ đẳng”.
BBC Tiếng Việt

Nên xưng Việt Nam là phải

Bài này lấy nguồn ở: Tiếng chuông rè

LTS: Vừa rồi có đọc được bài báo của cụ Phan Khôi đăng trên tờ Trung Lập (năm 1931) bàn về tên gọi Việt Nam. Tra trên mạng thấy tài liệu liên quan tới nguồn gốc chưa thực sự tiện cho việc tra cứu, nên đăng lại phần có liên quan. Cũng là để những ai có thêm thông tin đóng góp ý kiến về chuyện sử nước nhà.

NÊN  XƯNG VIỆT NAM LÀ PHẢI

(...)
Ta không nên xưng nước ta là An Nam, là vì cái tên ấy không do ta đặt cho ta, mà do người ngoài đặt cho ta, lại có ý chinh phục ta nữa. Nếu mình dùng hai chữ An Nam mà tự xưng nước mình, ấy là mình cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục. Bị chinh phục, là sự cực chẳng đã ; chớ còn an tâm ở cái địa vị bị chinh phục, thế là tự mình làm mất cái bổn tánh tự do độc lập của Trời phú cho đi, không còn xứng đáng là loài người.

Theo lịch sử, hồi nước ta thuộc về nhà Đường bên Tàu, họ đặt một quan nha cai trị xứ ta, kêu bằng “An Nam đô hộ”, quan nha ấy cũng như Đông Pháp toàn quyền phủ bây giờ. Chữ “An Nam” đó nghĩa là làm cho phương Nam an đi. “An Nam đô hộ” nghĩa là: Cái chức quan Đô hộ ấy có cái trách nhiệm phải làm cho phương Nam an đi. Xét sử Tàu hồi bấy giờ, không những đặt An Nam đô hộ mà thôi. Họ đánh yên mấy nước nhỏ ở Tây Vực (gần đỗi Tiểu Á tế á) đặt ra An Tây đô hộ; đánh yên nước Bách Tế và Triều Tiên, đặt ra An Đông đô hộ nữa, cùng đều có ý như “An Nam” vậy.

Mãn thời kỳ đô hộ, nghĩa là đến lúc người mình lấy nước lại mà độc lập rồi, tuy mình xưng tên nước mình là gì trối kệ, nhưng vì mình còn thần phục và triều cống họ, cho nên họ có quyền đặt tên cho nước mình. Bấy giờ dầu bãi đô hộ rồi mà cái tên An Nam họ vẫn giữ, họ lấy mà đặt tên nước mình là An Nam quốc, và phong cho vua mình là An Nam quốc vương. Nước ta mà có cái tên An Nam là từ đó. Và từ đó người Tàu quen kêu người mình là người An Nam.

Người phương Tây giao thông với các nước Á Đông là bắt đầu giao thông với nước Tàu trước. Vì vậy nên người Tây bắt chước người Tàu kêu nước mình là An Nam, mà không kêu theo tên nước mình như chính người mình đã đặt, hoặc Đại Việt, hoặc Đại Nam, hoặc Việt Nam.

Nói riêng về người Pháp thì từ lúc đầu họ kêu cả nước mình là nước An Nam; đến khi chinh phục được, họ chia nước mình ra làm ba, lấy chữ “An Nam” kêu khúc giữa, có ý nói rằng cái nước An Nam thuộc về nhà vua là chỉ còn chút đó.

Tự người Pháp muốn trời muốn đất gì lại không được, song người mình kêu theo như thế là vô lý.

Bởi vậy từ nay ta nên bỏ tiệt hai chữ An Nam đi, đừng dùng mà xưng tên nước ta nữa. Cái khúc giữa của nước ta, ta cũng kêu bằng “Trung kỳ”, dầu trong khi viết bằng Pháp văn cũng cứ xưng như thế.

Còn tại sao mà bảo kêu bằng “Việt Nam”?

Cái tên Việt Nam do vua Gia Long đặt ra sau khi ngài đã nhứt thống toàn quốc từ Nam chí Bắc. Theo sử nói thì ban đầu ngài đặt là "Nam Việt" song vua Tàu sửa lại là "Việt Nam". Từ đấy về sau thì vua Tàu, khi ban chiếu sắc, không kêu nước ta bằng An Nam nữa mà kêu Việt Nam; song dân Tàu nói thường thì vẫn kêu ta là An Nam cho đến bây giờ.

Sau cái tên Việt Nam còn có cái tên Đại Nam, ấy là từ đời vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng, sau khi bảo hộ Cao Man rồi, ngài thấy nước ta bản đồ càng rộng ra, ngài bèn đặt là Đại Nam để đối địch với Tàu là Đại Thanh cho oai chơi. Nhưng cái tên Đại Nam đó chỉ xài trong nước mình chớ còn khi dâng biểu qua Tàu thì lại vẫn xưng là Việt Nam quốc như trước.

Hiện ngày nay đây, giấy mực việc quan ở Trung kỳ vẫn xưng là Đại Nam. Vua Bảo Đại đối với nước Pháp vẫn tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Vậy thì, theo nhà vua, cái tên Việt Nam hình như đã mất rồi, vì ngày nay không còn triều cống bên Tàu, không có dịp đem ra mà dùng nữa.

Dân ta, người nước ta, cũng nên theo như nhà vua mà kêu là Đại Nam chăng ? Kêu cũng được, nhưng nghe nó ngượng miệng một chút, và cũng hổ ngươi nữa. Không ai nói như vầy mà xuôi tai được : Chúng tôi là dân nước Đại Nam, bị nước Pháp bảo hộ!

Vậy thì ta nên kêu nước ta là Việt Nam, là phải hơn hết.

Tại sao mà phải?

Những cái tên "Nam Việt" hay "Đại Cồ Việt" ngày xưa chưa hề gồm có phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, không đại biểu cho toàn quốc ngày nay được. Duy có cái tên "Việt Nam" do vua Gia Long đặt ra, cái tên ấy mới có bao gồm phía nam Trung kỳ và cả Nam kỳ vào, cho nên dùng nó mà chỉ cả nước ta như bản đồ chữ S ngày nay là hiệp lắm.

Tôi lặp lại lần nữa :

Từ rày về sau, chúng ta không nên kêu nước mình bằng An Nam.

Từ rày về sau, chúng ta nên kêu nước mình bằng Việt Nam.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6367 (7.2.1931)