Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

DIỄN VĂN CỦA TRƯỞNG THÔN

Kính thưa làng!

Như vậy là một năm nữa đã trôi qua. Năm vừa rồi là (rút lịch từ túi quần ra xem) vâng năm rồi là hai nghìn mười hai. Thế nên chúng ta đang bước vào năm (rút bàn tính ra gẩy) à năm hai nghìn mười ba. Nhìn vào mắt làng tôi cũng thấy, tất thảy chúng ta đều rất là một sự ngạc nhiên đúng không ạ? Tại vì, nhờ vào cái phép mầu nào mà chúng ta còn sống sót đến giờ này, có phải không ạ? Thế thì (bỗng dưng cao giọng) anh nào ở gốc cây kia, trưởng thôn đang phát biểu trên này mà anh ngồi chơi tò he thế à, thật vô lễ! Muốn cắt sổ hưu không? Anh bảo gì, anh bảo anh có quyền tự do chơi tò he à? Tự do cái cục cứt! Cái dân không giáo dục được! (Hạ giọng) À tôi nói đến đâu rồi ấy nhỉ… à hôm nay nhân cái dịp là cuối năm, tôi xin đại diện làng nhìn lại năm rồi (rút lịch túi quần ra xem) tức là hai nghìn mười hai, đặng còn vạch ra hướng đi cho năm tới (rút bàn tính ra gẩy) chính là hai nghìn mười ba. Vâng năm rồi cái làng Vãi Chưởng… ủa quên cái làng Vững Chãi chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, có những thành tựu lớn, lại có những thành tựu vĩ đại, những sự kiện á là sáng ngời, tuy rằng có thể làng không được biết, vì nó thuộc về cái chủ trương, cái đường lối chính sách từ trên.

Tôi nói xí dụ như là phong trào xóa đói giảm nghèo. Làng ta năm rồi được bằng khen về xóa đói giảm nghèo, là tại vì sao? Vì sự linh động trong chính sách! Tôi đơn cử, Bốn Cụt trước đây là hộ đói vĩnh cửu, đói ngoan cố, vừa rồi cũng đã bỏ làng lên thành phố làm một cái nghề chân chính là nghề ăn mày, nghe nói một ngày y bò được hai mươi cây số đường nhựa. Bốn Cụt bỏ làng, thế thì làng ngại gì mà không bỏ Bốn Cụt? Tôi gạch tên Bốn Cụt ra khỏi danh sách hộ đói. Nên chi là năm rồi số lượng hộ đói của làng ta giảm triệt để. Xong rồi mới đây thôi thì tôi cũng tăng giá bán đèn cầy lên năm phần trăm. Là tại tôi biết làng ta đã hết nghèo đói, tăng như thế để lấy tiền xây cái nhà chồ mười một ngàn tỉ. Mụ vợ tôi rằng tăng giá đèn cầy trong khi đèn đóm như con cầy thế là không hợp lí. Thế thì tôi bèn bóp miệng mụ, tôi bảo cả cái làng này tao còn bóp hầu bóp họng được, mụ coi chừng đấy. Mụ im, còn chúng ta thì được thêm bảy ngàn tỉ đồng, phen này nhà chồ của chúng ta sẽ thành nhà chồ đẹp nhất huyện (phía dưới rộ lên tràng pháo tay, văng vẳng tiếng ú ớ của trưởng thôn phu nhân).

Vừa rồi tôi cũng có nghe làng ta than phiền là có mấy khoanh đất ruộng, đất vườn, để đấy mãi mà không bán được. Đứa thối mồm còn bảo là đất đóng băng. Xin thưa ngay với làng, đó chỉ là luận điệu thù địch của bọn ba que… ờ ba que xỏ lá. Vì trước hết là đất làng ta không thể đóng băng được. Ngay đầu làng có một cái đập nước, tôi đã cho đào tới đào lui, lại thuê xe ben về húc thử, thành ra đất rất uyển chuyển mềm dẻo, tối nào cũng rung với lắc, chỉ có sụt lún chứ đóng băng là đóng băng thế nào, có phải không ạ? Thứ hai nữa là, nói xí dụ làng ta có trăm mẫu đất đi, thì tôi đã hai mươi mẫu rồi, vợ tôi hai mươi mẫu nữa, con gái tôi hai mươi mẫu, xin nói thêm là cháu mặc váy hồng đi giày cao gót rất đẹp, con trai tôi lại hai mươi mẫu, cháu vừa được đưa đi dự đại hội thanh niên chậm tiến đấy ạ, thế và các bên nội ngoại chia nhau cũng được mười bảy, mười tám mẫu. Còn phần làng chỉ hai ba mẫu thôi. Nên nói về lo thì tôi phải no hơn làng chứ, có phải không ạ? Chúng tôi rất no khi làng đói, làng càng đói thì chúng tôi càng no (nói đến đây thì rút khăn mùi xoa ra hỉ mũi rõ mạnh).

Thế cho nên cái chuyện cậu gì đấy vì giữ miếng đất có một thẻo mà cố thủ trong nhà, lấy đá chọi ra là tôi không thể hiểu được, mà cũng khó lòng thông cảm cho được. Ngày tư ngày tết, không ngồi chổng khu gói bánh chưng mà lại lôi con kéo em đi liệng đá là thế nào, có phải không ạ? Mà miếng đất thì tôi nhắc lại là có một thẻo, móc đâu ra đá mà liệng cho nhiều, có phải không ạ? Đã cạn suy lại làm ảnh hưởng đến đội dân phòng của làng ta, ngày tư ngày tết không được ngồi chổng khu gói bánh chưng mà phải dắt chó xông phi dầm mưa dãi nắng như vậy. Ấy là rất ích kỉ, tôi phải nói thẳng thế. Nhân đây tôi cũng tuyên dương đội dân phòng làng ta đã tổ chức phòng dân rất có chiến thuật, dưới sông bơi ghe trên bờ cưỡi chó, dùng chùy vồ lại dùng dùi cui vố, lại đeo lá trên lưng leo lên nóc nhà, tức là đánh đường thủy đường bộ đường không, đánh tập kích, đánh nghi binh, thập bát ban võ nghệ thảy đều hay cả, tôi bảo có thể viết thành sách Binh pháp Vãi Chưởng, đem đi tranh giải Nô-bên bảo đảm thắng ngay chí ít là một nửa giải chứ không đùa đâu (bên dưới vỗ tay râm ran, xem chừng hoan hỉ).

Nãy nói chuyện cái nhà chồ mười một ngàn tỉ, tôi nghe làng bàn ra tán vào là mắc quá mắc quá. Xin thưa, làng nghĩ thế là thiển cận. Vì rằng đó không phải chỉ là nhà chồ, nó là cái giao thoa văn hóa! Là cái giao lưu lịch sử! (Bên dưới có tiếng xì xào) Làng không hiểu giao thoa văn hóa với giao lưu lịch sử ư? Làng dốt quá! Thế tôi lại xí dụ, vừa rồi làng bên cạnh có cử đội văn công qua làng ta, gọi là cái đội Đùi Dài Hát Một Bài. Thế thì các em thiếu nhi ở làng ta ra đến đầu làng chỗ có cây đa giếng nước, em thì đu trên ngọn cây, em thì ôm gốc cây, em lại bò bò trên thành giếng, vừa gào lên “Ối Đùi ơi!” vừa khóc nức nở. Có cái anh giáo làng trông thế ngứa mắt, mới lên cái mạng gì mà Phết Búc chấm Vững Chãi đấy, đăng bài thơ chửi. Các em không vừa, cũng làm thơ chửi lại. Đấy, cái sự làng bạn hát cho làng ta nghe, gọi là giao thoa văn hóa. Cái chuyện các thế hệ của làng ta vì bọn Đùi Dài mà chửi nhau tàn mạt, gọi là giao lưu lịch sử. Còn cái câu thơ “Làng ngu rất đỗi tự hào, đói cơm rách áo mà thằng nào cũng làm thơ” thì lại là tuyên truyền thôi, tôi nhắc lại là bọn ấy nó thù địch, nó ghen ghét với làng ta nên nó mới làm ra như thế, tội ác của bọn nó là trời không dung đất không tha.

Còn như thế nào là trời dung đất tha ấy à? Là cái chuyện làng ta vốn làm nghề chài lưới đã bao năm nay. Tôi nghe làng nói lại là gần đây làng ra sông đánh cá thì hay bị làng bên cắt đứt lưới cá. Ấy là tôi nghe nói lại thế, chứ tôi thì tôi không tin, vì làng bên với làng ta cũng như là anh em kết nghĩa chó ỉa ba cục. Thứ nữa là muốn cắt đứt lưới cá phải tốn nhiều công sức lắm, những là kìm cộng lực, những là dùi đục mắm cái, biết bao nhiêu mà kể. Cho nên tôi nghĩ là chỉ vô tình chạy ngang gây rách lưới thôi. Tôi đã nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về vấn đề này, và cuối cùng tôi đã nghĩ ra được một cái gọi là diệu ác kế. Bớ làng! (Làng nháo nhác chạy) Ủa quên! Thưa làng! Để tránh gây vô tình một sự lưới rách như thế nữa, với lại dù sao thì thế hệ tôi đi trước cũng đã vơ hết cá vét hết tôm rồi, tôi nghĩ làng ta nên chuyển sang đánh giậm, mò cua bắt ốc trên bờ sông thôi. Các em nhỏ cũng nên tắm ở mấy cái vũng trâu đầm gần bờ, như thế tức là an toàn đường thủy, chỉ có tốt chứ không có hại. Vì đá banh xong thì người các em nóng, lỗ chân lông nở to, mồ hôi ra nhiều, tắm ở ngoài xa lỡ bị cảm không bơi vào bờ kịp thì biết làm thế nào, tôi nói thế làng nghe có phải không ạ?

Còn cái chuyện đá banh đá bóng ấy, thì năm rồi chúng ta có cử đội bóng tinh nhuệ tham dự giải Bốn Ao Làng, và chúng ta xếp thứ bốn (làng ồ lên thất vọng). Tất nhiên… vâng tất nhiên là tôi cũng như làng, chúng ta rất buồn lòng với kết quả này, vì năm trước nữa thì chúng ta được giải Tư kia mà, đúng không ạ. Nhưng sau khi nói chuyện với đội trưởng thì tôi mới vỡ ra cái nhẽ, rằng chúng ta thua không phải tại chúng ta kém, cũng không phải tại chúng ta quản lí ngu dốt gì cả. Mà là… (hạ giọng thì thầm) cái này tôi nói với làng nghe, làng đừng đi kể với ai kẻo chúng nó không tin lại bảo mình đặt điều. Là đội bóng chúng ta bị… bị… bị ma ám ạ, thưa làng. Vâng cái đêm hôm ấy đêm gì, các cầu thủ của chúng ta giăng mùng đắp chiếu chuẩn bị ngủ thì thấy bóng người đứng bên cạnh, áo rách vai, quần có vài mảnh vá, miệng cười buốt giá chân không giày, nói là “Tao ám chết mẹ mày đây.” (Phía dưới lặng ngắt) Thế thì còn đá với đấm cái điếu gì nữa, có đúng không ạ? Nhân đây, đội bóng làng ta thua, làng có đòi tôi phải từ chức trưởng thôn, nhưng tôi xin thưa luôn thế này. Tôi ờ… được làng tin tưởng giao chức trưởng thôn đến nay đã ba mươi hai năm, nhiệm vụ ờ… làng giao cho tôi chưa hề từ khước, tôi không chạy, không xin, cũng không hề thoái thác, cho dù có đứa bẩn mồm bảo ờ… tôi chưa hề làm tốt. Nên tôi xin nói luôn, ờ… hễ còn sống là tôi còn làm trưởng thôn, làng nói gì kệ làng.

Kính thưa làng!

Còn một số thành tựu tôi chưa kể ra đây, như chuyện thu phí trâu không chính chủ, rồi vụ lực lượng điều phối trâu của ta bị tố là ăn tham như lợn vân vân, nhưng tôi xin khẳng định một điều rằng làng ta đã đang và sẽ đi đúng hướng, xây dựng một nền kinh tế làng vững mạnh có định hướng. Tất cả những cái xấu là do đặt điều mà ra. Tất cả những cái tốt đều là chưa miêu tả được đúng mức sự thật. Năm cũ đã qua năm mới sắp đến, làng ta hãy đồng sức đồng lòng cùng tiến lên. Tôi đã chuẩn bị một bài thơ chúc Tết rất hay, lời lẽ cao siêu mọi nhẽ, do nửa đêm nằm mộng được thần phật mớm lời cho, nhưng xui cho làng là tôi để quên ở nhà rồi. Nên chỉ xin đọc cho làng nghe mấy câu thơ tôi vừa tức cảnh sinh tình (rút tờ giấy trong túi quần ra đọc):

Tiến lên bớ làng
Hướng về tương lai tươi sáng
Nhất định chúng ta sẽ thành công
Cho dù hiện giờ hơi quờ quạng
Vì một ngày mai cá chép mọc râu hóa rồng
Hôm nay chúng ta tạm thời ngúc ngoắc trong ao cạn.

(Diễn văn kết thúc. Làng vỗ tay như sấm rồi đứng lên phủi đít đi về.)

(Theo blog 360.phanan.net)

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

CHUYỆN TIẾU LÂM MỘT THỜI XHCN LIÊN XÔ.


Chuyện tiếu lâm một thời XHCN Liên Xô

Hỏi: Sự khác nhau giữa báo Pravda (Sự thật) và báo Izvestia (Tin tức) là gì ?
Đáp: Trong báo “Sự thật” thì không có tin tức, còn trong báo “Tin tức” thì không có sự thật.
—–
Luật pháp LX đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nhưng nó không đảm bảo quyền tự do sau khi ngôn luận.
—–
Hỏi: Điều gì là vĩnh cửu ở Liên Xô?
Đáp: Những khó khăn tạm thời.
—–
Hỏi: Tình trạng hỗn độn là gì ?
Đáp: Chúng tôi không bình luận về nền kinh tế của đất nước.
—–
Hỏi: Có đúng là nhà thơ Vladimir Mayakovsky đã tự sát hay không?
Đáp: Vâng, đúng vậy, và người ta còn thu âm lại được những lời nói cuối cùng của nhà thơ: “Các đồng chí, xin đừng bắn.”
—–
Hỏi: Thế nào là người cộng sản ?
Đáp: Người cộng sản là người đã đọc cuốn “Kapital” của Marx
Hỏi: Còn thế nào là người tư bản ?
Đáp: Người tư bản là người đã hiểu nội dung cuốn “Kapital” của Marx
—–
Hỏi: Có đúng là điều kiện sống ở các trại lao động cải tạo là tuyệt vời không?
Đáp: Về nguyên tắc là đúng. Năm năm trước một thính giả của chúng tôi không tin điều này và vì thế đã được gửi tới đó để điều tra. Vị thính giả này có vẻ đã thích ở kia tới mức mà giờ này ông ta vẫn còn chưa thèm quay về lại.
—–
Ba công nhân vừa bước vào nhà tù, hỏi nhau vì sao bị tù. Người thứ nhất: “Ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút, họ bảo tôi phạm tội phá hoại”. Người thứ hai: “Ngày nào tôi cũng tới sớm 10 phút, họ bảo tôi là gián điệp”. Người thứ ba: “Ngày nào tôi cũng đến đúng giờ, họ bảo tôi có đồng hồ ngoại”.
—–
Tại sao bao giờ KGB cũng đi thành nhóm 3 người? Trả lời: một người biết đọc, một người biết viết, người thứ ba có nhiệm vụ theo dõi hai tay có học đó.
—–
Stalin quyết định vi hành quanh thành phố xem công nhân sống như thế nào, một lần ông ta bí mật ra khỏi Điện Cẩm Linh. Sau đó ông rẽ vào rạp chiếu bóng. Phim vừa hết thì quốc ca vang lên và trên màn ảnh xuất hiện hình Stalin. Tất cả đều đứng dậy và hát quốc ca, riêng Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tỏ vẻ rất hài lòng. Rồi ông ta thấy một người ngồi phía sau ghé vào tai thì thầm: “Này đồng chí, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như thế, nhưng hãy tin tôi đi, đứng dậy sẽ an toàn hơn rất nhiều”.
—–
Sĩ quan KGB vào công viên và trông thấy một ông già đang cầm cuốn sách. Người sĩ quan hỏi: “Ông già đang đọc gì đấy”. Ông già đáp: “Tôi đang tự học tiếng Ivrit”. “Ông học tiếng Ivrit làm gì? Thị thực đi Israel phải chờ mấy năm lận. Ông sẽ chết trước khi làm xong giấy tờ”. “Tôi học tiếng Ivrit để khi lên Thiên đàng tôi có thể nói chuyện với Abraham vàMoïse. Trên Thiên đàng chỉ nói bằng tiếng Ivrit thôi”. “Thế nếu ông xuống địa ngục thì sao?” – Người sĩ quan hỏi. “Tiếng Nga thì tôi biết rồi” – ông già trả lời.
—–
Một người Mỹ và một người Nga tranh luận xem ai vĩ đại hơn: tổng thống Hoover hay Stalin?
- Tất nhiên là Hoover rồi! Bởi lẽ ông đã cai nghiện cho chúng tôi!
- Đã có gì là to tát! Stalin còn cai ăn cho chúng tớ thì sao!
—–
Một đôi nam nữ đến gặp bác sĩ tư vấn tình dục.
Thưa bác sĩ, chúng tôi lấy nhau đã hai năm, quan hệ tình dục bình thường mà không hiểu tại sao chưa có con ?
Bác sĩ hỏi : các bạn đã tham gia khoá học dành cho những người chuẩn bị lập gia đình không?
Đáp : có, chúng tôi đã tham gia khoá học này
Hỏi : thế anh chị có làm đúng như chỉ dẫn không ?
Đáp : có, chúng tôi làm đúng như chỉ dẫn. Hay là chúng tôi sẽ làm, bác sĩ xem xem chúng tôi có làm đúng không ?
Bác sĩ : Thế cũng được.
Sau khi đôi nam nữ thực hiện xong, bác sĩ băn khoăn : Có vẻ như các bạn làm đúng như chỉ dẫn.
Hay là chúng tôi làm lại, bác sĩ quan sát kỹ xem chúng tôi làm có thiếu công đoạn nào không ? Đôi nam nữ đề nghị.
Sau khi đôi nam nữ thực hiện lại lần hai. Bác sĩ vò đầu bứt tai : Có vẻ như cô cậu làm hoàn toàn đúng. Để tôi tham khảo ý kiến của giáo sư.
Bác sĩ liền gọi điện cho giáo sư chuyên ngành, trình bày về sự việc.
Tiếng giáo sư trong ống nghe : Hỏi xem có phải là Ivanov và Ivanova không? Đúng hả? Đuổi ngay chúng đi. Bọn nó là sinh viên, không có tiền thuê phòng nên bày trò ….
—–
Một ông nông dân bị nông trang cướp mất đất liền viết thư khiếu nại gửi cho đồng chí Lê Nin ở Moskva. Một tháng sau chính quyền gọi ông nông dân lên. “Tại sao ông lại gửi thư cho đồng chí Lê Nin? Ông không biết đồng chí Lê Nin đã chết rồi sao?” “Mẹ kiếp, tại sao lúc các người cần thì đồng chí Lê Nin sống mãi trong sự nghiệp, còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại chết mất rồi?”
—–
Hỏi: CNCS có khác CNTB không ?
Trả lời: Về nguyên tắc là có. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa có tình trạng người bóc lột người. Còn trong chế độ cộng sản chủ nghĩa thì là ngược lại.
—–
Hỏi: Có đúng là ở Liên Bang Xô Viết có tự do ngôn luận giống như ở Hoa Kỳ không?
Đáp: Đúng  thế. Ở Hoa Kỳ, quý vị có thể đứng trước cửa Nhà Trắngvà hét to, “Đả đảo Reagan!”, và quý vị sẽ không bị trừng phạt. Ở Liên bang Xô Viết, quý vị có thể đứng ở Quảng trường Đỏ ở Moskva và hét to “Đả đảo Reagan!”, và quý vị cũng sẽ không bị trừng phạt.
—–
- Truyện thần thoại Pháp khác truyện thần thoại Liên Xô thế nào?
- Một cái bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa…”, thứ kia bắt đầu bằng câu: “Không còn bao lâu nữa…”
—–
Đảng bộ Leningrad mới ra nghị quyết về tạo ra sự dư thừa lương thực cho dân chúng. Phóng viên một tờ báo phỏng vấn một bà già trên đường phố là bà nghĩ gì về nghị quyết này. “Thời phát xít Đức bao vây chúng ta còn sống sót được thì chắc rồi cũng sẽ sống sót được sự dư thừa lương thực này thôi.”
—–
Hai đảng viên Ivanov và Petrov đi vào một hàng ăn để kỷ niệm sinh nhật Petrov. Hai người cưa một chai vodka xong Ivanov nói: “Bạn thân mến, anh biết là tôi yêu quý anh. Tại sao tôi lại yêu quý anh? Tôi yêu quý anh không phải vì anh ăn trộm tiền đảng phí từ văn phòng Đảng, cũng không phải vì anh đẩy mẹ vợ anh vào nhà thương điên, cũng không phải vì anh ngày nào cũng đánh vợ, lại càng không phải vì anh hiếp con bé mù 13 tuổi, tôi yêu quý anh vì anh là một người cộng sản thực sự tốt.”
—–
Hồi Liên Xô mới đổ, một anh này vào tiệm uống cà phê đòi xin một tờ báo Đảng. “Chúng tôi dạo này không tích trữ báo Đảng nữa.” Vài phút sau anh ta lại xin một tờ báo Đảng. “Dạo này chúng tôi không còn có báo Đảng nữa.” Mười phút sau anh ta lại hỏi xin một tờ báo Đảng. Phục vụ viên cáu tiết hét lên: “Tôi đã nói mấy lần là bây giờ quán chúng tôi không chứa báo Đảng nữa sao anh cứ hỏi mãi?” “À, tại câu đấy nghe hay quá, xin cứ nhắc lại thêm vài lần nữa cho tôi nghe.”
—–
Một bà đi vào cửa hàng hỏi: “Các đồng chí có thịt không?” “Không, không có thịt.” “Thế các đồng chí có sữa không?” “Không, cửa hàng chúng tôi chỉ là cửa hàng thịt. Bà sang cửa hàng bên kia đường đi, bên đó họ mới không có sữa.”
—–
Hỏi: Tại sao những người bất đồng quan điểm lại bị o ép đến nỗi phải rời khỏi đất nước?
Đáp: Anh không biết rằng tất cả những sản phẩm tốt nhất luôn được lựa chọn để xuất khẩu à?
—–
Hỏi: CNCS có thể xây dựng thành công ở Mỹ được không?
Đáp: Được chứ. Nhưng sau đó thì chúng ta sẽ mua ngũ cốc từ đâu?
—–
Hỏi: Đến gia đoạn cuối cùng của CNXH, tức là CNCS, thì có còn trộm cắp không?
Đáp: Không? Vì mọi thứ đã bị lấy sạch trong giai đoạn CNXH rồi.
—–
Hỏi: Sự khác nhau giữa nền thương nghiệp CNXH và CNTB là gì?
Đáp: Thương nghiêp TB: cái  gì cũng có bán. Thương nghiẹp XHCN: thấy gì cũng xếp hàng mua.
—–
Hỏi: Có phải Mỹ là nước có những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới?
Đáp: Đúng. Nhưng ngược Liên Xô lại là nước chế tạo được những linh kiện bán dẫn to nhất thế giới!
—–
Hỏi: Có thể sống nổi chỉ với đồng lương chính không?
Đáp: Không biết. Chưa thằng nào trong chúng tôi dám thử cả.
—–
Stalin muốn kiểm tra xem những người nông dân sống ra sao. Ông đi tới một ngôi làng
- Các đồng chí, cuộc sống ra sao?
- Dạ thưa đồng chí, trước kia chúng tôi có 2 bộ quần áo còn bây giờ chỉ có một thôi ạ.
- Quần áo không thể dùng để đánh giá mức sống được. Các đồng chí có biết rằng ở châu Phi có những nơi người ta hoàn toàn cởi truồng không?
- Thật là tội nghiệp! Chắc ở đó họ còn có chủ nghĩa cộng sản trước cả chúng ta!
—–
Một sinh viên thi trượt tốt nghiệp chỉ vì anh không nói lên được sự khác biệt giữa kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa và kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Anh sinh viên buồn bã kể lại với bố. Ông bố an ủi con:
- Vậy là may đấy con à! Ở cơ quan bố, một cán bộ đã nói ra sự khác biệt này và ông ta không bao giờ trở lại nữa.
Nguồn: ST Internet

He he...

Một ông nông dân bị nông trang cướp mất đất liền viết thư khiếu nại gửi cho đồng chí Lê Nin ở Moskva. Một tháng sau chính quyền gọi ông nông dân lên.
“Tại sao ông lại gửi thư cho đồng chí Lê Nin? Ông không biết đồng chí Lê Nin đă chết rồi sao?”.
“Mẹ kiếp, tại sao lúc các người cần thì đồng chí Lê Nin sống mãi trong sự nghiệp, còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại chết mất rồi?”
(st)

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Một Adolf Hitler rất khác.

Đây là tranh do Adolf Hitler vẽ. Trùm phát xít Hitler trước khi tham gia đảng Đức Quốc Xã vốn muốn đi theo con đường nghệ thuật và là một hoạ sĩ có triển vọng thời bấy giờ.

Nguồn: 10 sự thật thú vị.

THIỀN SƯ VÀ CÔ LÁI ĐÒ

Cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng ngườì, sau hết đến nhà sư.

Cô lái đò đòi tiền “gấp đôi.”

Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao?

Cô lái mỉm cười:

- Vì Thầy nhìn em…

Nhà Sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền “gấp ba.”

Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái cười bảo:

- Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định. Đò cập bến cô lái đò thu tiền “gấp năm” lần.

Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái đáp:

- Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.

Nhà sư trả tiền và lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò… Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần nầy phải trả bao nhiêu?

Cô lái đáp:

- Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi:

- Vì sao vậy?

Cô lái cười đáp:

- Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa… Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi…
 (Theo Địa Tạng Vương Bồ Tát)

ĐẲNG CẤP

Diêm Vương lên chầu. Ở dưới các hồn mà đang nháo nhào, lộn xộn. Diêm Vương quát:
- Tất cả xếp thành 3 hàng dọc. Thằng nào ngày xưa trên trần gian ngủ với vợ của bạn mình thì đứng vào hàng 1. Ngủ với em vợ đứng vào hàng 2. Ngủ với vợ hàng xóm đứng vào hàng 3.

Diêm Vương phán xong thì các hồn ma lập tức xếp hàng. Duy nhất có 1 hồn ma cứ lăng xăng không chịu đứng vào hàng nào hết.

Diêm Vương cáu gi
ận quát :
- Thằng kia! Sao mày không chịu đứng vào hàng?

Hồn ma liền đáp:
- Dạ bẩm Diêm Vương, ngày xưa trên trần gian, con trót dại lỡ ngủ với vợ của bạn, cũng thịt luôn em vợ, chiều cả vợ hàng xóm. Vậy con đứng hàng nào?

Diêm Vương suy nghĩ một lúc rồi bảo:

- Mày lên đây ngồi với tao!