Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

KHÔNG CHỈ LÀ ... CANH GÀ

Ngày xưa khi đi học, cô giáo mình có giảng về câu “canh gà Thọ Xương” trong bốn câu ca dao (thực ra là thơ như đã nói) là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh mình đã thấy kỳ kỳ nhưng rồi vì bài ấy không phải là trọng tâm, ngày ấy cũng quá nhỏ nên sự việc cũng nhanh chóng đi vào quên lãng. Khi Vnexpress thổi bùng lên câu chuyện này thì mới có dịp bàn lại.

Khi sự việc mới bắt đầu mình có viết trên facebook, nếu bảo canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy sang canh là rất khiên cưỡng và sai cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Một khi đã ghi “canh gà Thọ Xương” thì theo logic ngữ pháp tiếng Việt chỉ có thể hiểu theo 2 lối:
1 canh (chừng, trông coi) gà (làng) Thọ Xương.
2 canh gà (đặc sản) của làng Thọ Xương.
Chứ đã viết là canh gà Thọ Xương mà bảo là tiếng gà gáy sang canh thoạt nghe khá êm tai, thi vị nhưng ngẫm lại thì rất buồn cười vì nó tréo cấu trúc ngữ pháp. Canh gà là canh gà chứ tiếng gà gáy báo hiệu sang canh là thế nào. Nếu muốn hiểu theo cái nghĩa mà ai đó đã đặt để thì phải phá vỡ hệ thống ngữ pháp Việt Nam.
1. Trước hết ta phải thấy, rất đơn giản canh gà không phải là món chỉ mới xuất hiện ở vài chục năm trở lại đây. Thời của Dương Khuê chắc chắn là đã có món canh gà rồi đấy chứ. Thậm chí đó còn là món ăn quen thuộc nữa là đằng khác. Một khi đã biết, đã quen thuộc với món canh gà nhẽ nào một nhà thơ như Dương Khuê khi muốn nói về tiếng gà gáy sang canh, ông lại dùng chữ trùng với cái món canh gà quen thuộc sao? Vô lý. Bởi không những sai cấu trúc mà nó còn khiến người đọc nhầm lẫn một cách rất ngớ ngẩn. Cho nên, nếu muốn hướng người đọc đến với ý gà gáy báo hiệu sang canh chắc chắn Dương Khuê buộc phải tránh cái món canh gà và diễn đạt khác đi chứ. Nên biết, trước khi nghĩ đến những giá trị nghệ thuật thì việc đầu tiên mà các nhà thơ làm là phải biết chọn lọc từ ngữ để tránh cho việc hiểu sai. Trước khi hay, cần phải đúng đã. Ai đã biết cái món canh gà nó sờ sờ ra đấy lại dùng ngay cái từ nói về món đó để nói về tiếng gà gáy sang canh hả giời?
Lấy ví dụ tôi là nhà thơ, tôi làm hai câu thế này:
Nhớ ngày em gái theo chồng
Vẩn vơ giữa một trâu đồng bao la
Trâu đồng thì chắc ai cũng hiểu, một là trâu bằng đồng, hai là trâu (ở) đồng.
Ý tôi ở đây là cánh đồng trâu, cánh đồng dành cho trâu. Song để hợp vần suông câu tôi có thể dùng trâu đồng không? Rõ ràng là không. Vì tôi biết khi dùng trâu đồng thì cả tôi và các bạn sẽ hiểu đó là trâu (bằng hay ở) đồng chứ làm cách nào mà các bạn có thể nghĩ đó là cánh đồng (dành cho) trâu được? Đúng không? Nếu thế thì tôi buộc phải viết khác chứ, diễn đạt khác đi để trước hết nó phải đúng ý đã chứ. Thế thì tôi buộc phải sửa thành thế này:
Nhớ ngày em bỏ đi đâu
Vẩn vơ giữa một đồng trâu mà buồn.
Đúng không? Tôi phải diễn đạt thế thì cả bạn và tôi mới hiểu chứ. Và canh gà Thọ Xương cũng thế! Cả ông Dương Khuê, tôi và bạn đều biết món này chứ. Thế hà cớ gì ông ấy lại dùng chữ canh gà để nói về tiếng gà gáy sang canh? Chẳng có lý do nào để Dương Khuê làm thế cả trừ phi Dương Khuê có vấn đề về tâm thần.
2. Có thành viên viết trên một diễn đàn thế này: “Sáng nay có cậu bạn làm trong Viện Hán Nôm bảo, trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là bát canh, món canh, không phải canh khuya, canh chầy. Chứng tỏ canh gà là món ăn, chứ chả phải tiếng gà tiếng qué gì cả. Chắc hồi ấy các cụ đi tập thể dục từ sáng sớm, khi chùa Trấn Vũ đổ chuông, quán Thọ Xương mở hàng, các cụ rủ nhau vào ăn canh gà”
Thêm một cái test nữa là bạn hãy ghép hai từ canh ở trên kia với chữ gà thì ta sẽ thấy thế này:
1, bát canh, món canh gà
2  canh khuya, canh chầy gà
Bạn thấy câu thứ 2 có tréo với cấu trúc của tiếng Việt và buồn cười không? Thì thôi vậy, Dương Khuê đã ghi là canh gà Thọ Xương thì ta cứ hiểu là món canh gà ở làng Thọ Xương cho hợp logic vậy. Đừng tỏ ra sâu sắc, hiểu biết quá làm gì cho khổ tiếng Việt mà lại tội con cháu.
3. Theo cách cảm của tôi ở hai câu tám thì Dương Khuê nói về những nét đặc trưng, những gì rất riêng tư gắn liền với các địa danh Hà Nội mà chẳng nơi nào có được bằng tất cả giác quan, lần lượt như sau:
Thính giác: Tiếng chuông Trấn Vũ là tiếng chuông vọng ra từ đền Trấn Vũ, chẳng lẫn vào đâu được.
Vị giác: Canh gà Thọ Xương là món đặc sản của người làng Thọ Xương, chẳng nơi nào có thể chế biến được món canh gà như người của làng này cả.
Cảm giác: Là nhịp chày Yên Thái – một làng chuyên làm giấy. Nhịp chày ấy cũng chả giống với nơi nào cả.
Thị giác: Mặt gương Tây Hồ có thể hiểu ý tác giả là chẳng nơi nào mà mặt hồ phẳng lặng, yên ả tựa mặt gương như Hồ Tây.
Về đặc trưng, nếu bảo đó là tiếng gà gáy từ làng Thọ Xương thì rõ ràng sẽ mất ngay tính đặc trưng, cái nét riêng tư của Thọ Xương vì gà chỗ nào gáy chả như nhau, nhẽ nào gà của làng Thọ Xương lại có một kiểu gáy nào đó rất độc đáo mà gà của các làng khác chả co được? Chỉ có thể là đặc sản của Thọ Xương thì mới có tính đặc trưng.
Về thính giác: Đã có tiếng chuông từ đền Trấn Vũ thì tác giả lôi thêm chi tiếng gà gáy cho vô nghĩa lại thừa ra trong một khổ thơ cô đọng và hàm súc đến vậy.
Thế nên. Canh gà Thọ Xương tôi cho đó là món canh gà của người làng Thọ Xương. Và ai chỉ dạy cho con cháu mình tùy, tôi cũng sẽ gợi ý cho con cháu mình như thế.
4.  Sách giáo khoa cho rằng bốn câu lục bát này "có tính chất là những niềm vui, niềm tự hào, những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của giang sơn đất nước thân yêu" (Giáo trình Văn học dân gian, tập II, NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973, tr.375). Tôi cho đây là nhận định sai lầm vì nguyên tác đây là bài thơ buồn bã và rất thế sự. Hai câu sáu đã nói lên điều đó:
“Phất phơ ngọn trúc trăng tà” nó gợi cảm giác buồn bã về hiện tại. Có thể hiểu vận nước lúc này rất mong manh. Phất phơ nó gợi ra một không gian tẻ nhạt, buồn chán, lại thêm trăng tà. Ngoài sự báo hiệu của đêm sắp hết, thứ ánh sáng của trăng tà còn làm cho người ta liên tưởng đến sự thê lương, u uẩn. Câu sáu tiếp theo “Mịt mù khói tỏa ngàn sương” có thể hiểu tác giả đang nghĩ về tương lai trước mặt. Nó không tươi sáng mà mịt mù, hư ảo, như trong sương. Tức chẳng có gì để hy vọng.
Liên hệ đến vận nước ở thời mà tác giả đang sống ta thấy đất nước hiện giờ rơi vào tay người Pháp, Nho học suy tàn. Vốn là một nhà nho, Dương Khuê bi quan, xót xa cho vận nước lẫn nền nho học là nhẽ dễ hiểu. Và cả sự bất mãn trước thời cuộc nữa. Nên nhớ có nhận xét cho rằng Dương Khuê là đại diện tiêu biểu của khuynh hướng “thoát ly hưởng lạc” trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 19. Người ta cho rằng Dương Khuê lấy thơ, rượu, ca xướng để tiêu khiển…Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực hơn thì đó cũng là thể xem là một thái độ phản kháng nhẹ nhàng. Những tâm sự, trở trăn về mình, về xã hội mà ông đang sống được gửi gắm vào thơ văn, đó cũng là cách giúp ông giải tỏa bất mãn.
Như vậy, không phải là niềm vui hay tự hào về vẻ đẹp của giang sơn đất nước gì cả. Lồng giữa hai sáu tả tâm trạng là hai câu tám nói về những giá trị đặc trưng của Hà Nội có thể thấy bài thơ này là một dự cảm xót xa, lo lắng mất mát những điều gì đó rất gần gụi, giản dị mà cũng rất đỗi thiêng liêng của tác giả. 
Đó là cảm nhận mang tính cá nhân của mình về bài thơ Hà Nội tức cảnh của nhà thơ Dương Khuê.

5. Còn vì sao người ta cứ cố mà nghĩ canh gà Thọ Xương thành tiếng gà gáy báo hiệu sang canh? Lẽ đơn giản là ở một dân tộc bé mọn, yếu đuối và đầy rẫy sự mặc cảm, tự ty người ta hay cả nghĩ, nghiện ước lệ và thờ phụng chủ nghĩa sâu sắc. Họ tin rằng những điều đó sẽ cứu rỗi được họ. Cũng như đàn bà xấu thì mê mệt son phấn, kẻ dốt nát thì thích bốc phét, văn hoa. Nếu chả thế họ sợ bị đánh giá là tầm thường ít học. Ngay cả khi đứng trước một điều gì đó rất gần gụi, giản dị thì họ vẫn không dám chấp nhận nó, họ vẫn cố nghĩ cho nó sâu vào và cao lên để tự an ủi. Hoặc đã nghĩ là thế nhưng chẳng dám nói vì sợ nói ra mình đâm khác mọi người, xứ bầy đàn thì ai dám tách mình ra khỏi đám đông?
Thật ra muốn cao, muốn sâu cũng chả sao vì ai chả có quyền làm thế nhưng nên nhớ cũng cần có cơ sở chứ nhỉ!? Chứ canh gà lại nghĩ là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh e cũng buồn cười và dễ biến mình thành kẻ ảo tưởng, nếu không thì thần kinh có lẽ cũng đứt vài sợi mẹ nó rồi.
Đùa vui thế chứ mình cũng nghĩ canh gà là tiếng gà gáy báo hiệu sang canh cho cho thanh cao và sang trọng. Thi ca ai lại nỡ quẳng vào đấy bọc canh gà vào đấy, thế hóa ra tầm thường quá, phàm tục quá giữa một đất nước thừa mứa sự thanh cao. Thanh cao đến nghẹt thở! Thanh cao đến mức vì yêu nước mà mấy anh Việt kiều lấy clip sex để trị tin đồn. Ác ghê chưa? Sang đến tận Mỹ mà sống rồi vẫn dứt khoát không bỏ bớt thanh cao.
By Hà Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét