Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

QUÂN CỜ CHUYỂN ĐỘNG

Vụ việc ở Tiên Lãng có thể nói là một vụ việc nổi bật hàng đầu hiện nay trong đời sống xã hội chính trị của người Việt. Có rất nhiều ý kiến, quan điểm về vụ việc này. Tôi quan sát vụ việc này theo chiều khác với dư luận hiện nay: cục diện chính trị có dịch chuyển gì không. Ngay ở khía cạnh này vấn đề cũng đã rất rộng và cũng đã  thật khó phân tích và nhận định. Tôi thu hẹp phạm vi hơn: sự dịch chuyển của các quân cờ trên bàn cờ chính trị.

Trong chính trị luôn xảy ra những tình huống bất ngờ, không tiên liệu được trước. Nắm bắt thời cơ và vận dụng nó luôn là một bài toán chính trị cuốn hút. Vụ việc ở Tiên Lãng có thể coi là một tình thế chính trị xã hội bất ngờ. Vậy có hay không chuyện chớp thời cơ để dịch chuyển thế cân bằng chính trị?

Hài Phòng có thể coi là đất bản địa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đã nhiều khóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu Quốc hội ở đây, và được bầu với số phiếu rất cao. Số phiếu trúng cử cao chưa chắc đã phản ánh đúng sự tín nhiệm của dân chúng, nhưng số phiếu trúng cử cao luôn phản ánh một tình thế chính trị bản địa, đất cánh hẩu. Ngày 5-1, khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra, chúng ta thấy phản ứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần lượt như sau: trước tiên, ngày 11-1 là công điện về tăng cường bảo vệ lực lượng công an trong khi hành nhiệm vụ, và sau đấy, trong tuần ngày 16-1 là thông báo yêu cầu TP Hải Phòng báo cáo sự việc. Sau đó là một quãng thời gian dài, trùng với dịp nghỉ Tết, không thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có động thái gì tiếp. Vừa mới đây,khi ông Nguyễn Minh Thuyết phát biểu: "Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?", rõ ràng là một công kích trực chỉ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, văn phòng Thủ tướng có ngay động thái phản ứng với tuyên bố Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ triệu tập cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Có thể coi đây là một sự dịch chuyển các quân cờ. Từ khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra đã có 3 nhân vật cao cấp xuống Hải Phòng: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Tuy các cuộc viếng thăm này mang danh nghĩa chúc Tết, nhưng đằng sau đấy không thể đơn thuần cho rằng chúng chỉ mang tính chất viếng thăm hiếu hỷ. Tình thế rõ ràng bất lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: một mặt dư luận xã hội rất mạnh yêu cầu xử lý quan chức Hải Phòng, không chỉ ở cấp huyện xã mà còn cả ở cấp thành phố, mặt khác đất bản địa nếu không bảo toàn được thì có nguy cơ thua ở tương lai. Vì vậy, tôi cho rằng kết quả sẽ là cấp thành phố Hải Phòng không ai rụng một sợi lông chân nào, có chăng chỉ có cấp huyện xã. Nếu cấp thành phố có sự thay đổi thì sẽ có một sự dịch chuyển về thế cân bằng chính trị. Nếu tất cả các cấp không ai bị suy suyển gì thì điều đó chứng tỏ thế lực của Thủ tướng rất mạnh. Sự thể thực tế sẽ thế nào chi bằng cứ lặng lẽ quan sát là hơn. 

NGUỒN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét