Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

XƯA VÀ NAY


Vẫn còn nhớ lần đầu tiên có khái niệm về Chiến tranh biên giới 1979 là qua tập nhật ký của ba, với những dòng chữ ghi vội trên nền giấy đã ố vàng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, chắc hẳn là được viết ra trong lúc đang bị kích động mạnh.

17 February 1979: the Border War has broken out. The whole Vietnamese nation will once again stand up against Chinese chauvinism.
Chỗ mình ngồi đây chỉ cách Móng Cái, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt, có 60 km đường chim bay… suốt cả buổi chiều không làm gì được, trên đài phát đi phát lại bài xã luận của báo Quân đội nhân dân “thế giới đứng về phía chúng ta”. 

Đọc Văn Nghệ Quân Đội, vẫn còn nhớ cái ấn tượng mạnh mẽ khi đọc những truyện ngắn viết về thời kỳ căng thẳng ở biên giới.
Rùng rợn có. Quân Trung Quốc “mai táng” tử sỹ của mình bằng cách rạch bụng vứt xuống sông, hoặc đốt bằng xăng khô. Cảnh chết chóc nhìn mãi quen đến mức không có tí kiến thức gì về y khoa, chỉ cần nhìn màu máu chảy ra cũng đủ biết đồng đội mình có qua khỏi hay không. Đánh nhau chết nhiều đến mức nhiều năm sau chiến tranh, người dân đi làm nương hoặc đi ra suối rửa rau vo gạo vẫn nhặt được hài cốt tử sĩ của cả hai bên.
Hài hước có. Ở một số cứ điểm quan trọng, cứ đến tầm cuối giờ chiều là y như rằng các em “dân công” Tàu mặc xu chiêng xi líp ra tắm giặt cười đùa ầm ĩ như một bọn dở hơi ngay trước mũi súng của bộ đội ta. Rồi loa phóng thanh công suất lớn chĩa sang bên Việt Nam suốt ngày ông ổng những chuyện đầu Ngô mình Sở.
Rồi những tờ họa báo ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, chụp lại cảnh các thị trấn dọc biên giới bị quân Trung Quốc phá tan tành sau khi rút lui, rồi những thảm cảnh của dân thường trên đường đi sơ tán, cùng cái tựa rất đanh thép “TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ PHÍA HỌ!”, chứ không phải “Tàu lạ đâm chìm tàu cá Việt Nam” như bây giờ. Và tiếp tục nhiều năm sau đó, cái tinh thần chống Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ với những loạt ảnh về Trường Sa và những bài phân tích mưu đồ của bọn bành trướng Bắc Kinh. Rồi những bài hát thời kỳ đó, giai điệu trầm hùng, lời ca chân thực phừng phừng khí thế, cho đến bây giờ nghe vào vẫn thấy sôi hết cả máu:
Quảng Ninh thân yêu ơi,
trong tình yêu quê hương có một tấm lòng, dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng

Vùng than thân yêu ơi, xin nguyện vì người mà chiến đấu đến cùng,
khi quân thù liều lĩnh dám đến nơi đây,
súng trong tay, anh cùng em sẽ chung một chiến hào.    

Chẳng có Internet, chẳng có mạng xã hội, chẳng có các “nhân sĩ trí thức” nào hô hào mọi người đi biểu tình chống Trung Quốc, nhưng trong xã hội tất cả mọi người đều ý thức được về mối hiểm họa xâm lăng treo lơ lửng trên đầu, và tinh thần bài Trung Quốc là một thứ gì đó chân thật, không phải là cái lá chắn cho một động cơ cá nhân nào đó.

30 năm đã qua. Báo chí truyền thông dòng “chính thống” không còn nhắc đến cái gọi là “mưu đồ thâm độc của bọn bành trướng Bắc Kinh” nữa. Chính quyền hai nước lẳng lặng cắm mốc phân định biên giới. Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, núi Lão Sơn, bãi Tục Lãm, huyện đảo Tam Sa… thực hư thế nào, ai kiểm chứng đây? Đài truyền hình các địa phương tiếp tục công cuộc “đồng hóa” còn dang dở của Thái thú Giao Chỉ Mã Viện bằng cách nhồi nhét người xem với đủ các thể loại phim Trung Quốc mà phần lớn là hàng viện trợ  không hoàn lại, mà hăng hái nhất có lẽ là cái đài truyền hình phò phạch của thủ đô Hà Nội, không giờ nào mở lên là không thấy phim Tàu, nếu không có mấy cái giọng thuyết minh tiếng Việt thì chẳng khác gì một cái đài truyền hình địa phương bên kia.
Đường cao tốc hữu nghị Việt Trung chạy từ Côn Minh đến Lào Cai đang được hai bên cùng xây, cái cầu vượt sông Hồng thì mấy nhịp bên Trung Quốc đã xây xong cả, bên ta xây mãi chưa xong. Phía bên kia nhà cửa chen chúc rất hoành tráng mặc dù chẳng có ma nào ở, bên ta thì lơ thơ mấy cái lều của công nhân chen giữa đám cỏ lau. Hỏi tại sao lại thế thì anh bạn người địa phương trả lời chắc đấy là chủ trương của chính phủ ta, không muốn đầu tư hạ tầng  ở những địa điểm “nhạy cảm”, cũng giống như đường bộ đi ra Móng Cái xấu kinh khủng, vừa hẹp vừa xóc lộn cả lòng mề mà mãi không thấy ai đoái hoài gì đến. Mình cười bảo ông đùa tôi à, hắn nói ông hỏi có vẻ nghiêm túc tôi đùa làm cái quái gì, tôi cũng đang nẫu cả ruột ra vì cái dự án cảng trung chuyển hàng hóa sống nhờ vào đường cao tốc Côn Minh – Lào Cai của tôi bị om mất mấy năm nay rồi. Mình chẳng thắc mắc gì thêm vì canh cá nấu mẻ ăn với gạo đỏ Bát Xát rất ngon. Cũng là một tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, thế nhưng Lào Cai vẫn giữ được dáng dấp của một đô thị tỉnh lẻ,  có nhiều chỗ nhìn rất giống Hà Nội thời bao cấp, không như Móng Cái, thành phố mà ai đến cũng có cảm giác nó tiếp tục phình ra chỉ sau một đêm, hàng hóa nhiều vô kể, tiểu thương ngoài chợ bắn tiếng Anh lẫn tiếng Quảng Đông nhoay nhoáy.
Bây giờ lực lượng chống Trung Quốc còn được bổ sung thêm các “chiến sỹ dân chủ” ở nước ngoài suốt ngày hô hào chống Trung Quốc, phát động chiến tranh chống Trung Quốc (?) Các vị này quên mất một điều rằng đánh võ mồm là sở trường của dân Tàu chứ không phải của dân Việt Nam, không thể dùng vũ khí của nó đánh nó được. Các vị hô hào cả đời có khi hiệu quả không bằng một bài xã luận trên cái tờ Hoàn Cầu Thời Báo bỏ mẹ nào đấy của Trung Quốc. Người Trung Quốc rất thành thạo trong việc lãng mạn hóa và sử thi hóa những cuộc nội chiến dài hơi (Tam Quốc, Đông Chu), những cuộc nổi dậy của dân du thử du thực (Thủy Hử), đến chuyện một thằng trọc phú thê thiếp đầy nhà ăn chơi trác táng cả ngày mà nó cũng viết được thành tiểu thuyết kinh điển được dịch ra cả ngôn ngữ phương Tây, trong khi Việt Nam ta lịch sử chống ngoại xâm hào hùng bao nhiêu năm như vậy mà lại chẳng có được một tác phẩm phổ thông về đề tài ấy để cả người lớn lẫn trẻ con đều đọc được. Nói tóm lại, trong cuộc chiến tuyên truyền ta luôn ở chiếu dưới so với Trung Quốc. Mặt trận kinh tế thì thua trắng từ lâu rồi, mà thua theo kiểu đánh giáp lá cà còn đỡ, đây lại là cái kiểu tự quân mình triệt tiêu sinh lực của quân ta để cho quân địch vào hiếp không còn mảnh giáp.
Phàm là người Việt Nam sinh ra đều có sẵn trong mình cái máu chống Trung Quốc, nó đã được tích tụ qua hàng ngàn năm sống cạnh ông láng giềng “núi liền núi, sông liền sông, hở ra là ông cướp”, phàm ăn tục uống, thích lấy thịt đè người…, được gài vào bộ gene di truyền của người Việt Nam truyền từ đời này sang đời khác, giống như cái bản năng sinh tồn đã được cấy vào gene di truyền của dân Do Thái. Cái “chống Trung Quốc” ấy bao gồm cả sự khinh bỉ và sự căm ghét, và có cả nỗi sợ. Sợ là có cơ sở, vì như cách nói nửa đùa nửa thật, hơn 1 tỉ dân Tàu chỉ cần cùng lúc mỗi đứa đái một bãi là cả nước ta có khi trôi ra biển mất. Cũng chẳng có gì phải xấu hổ khi thừa nhận là mình sợ, vì ở thời buổi này cả thế giới đang sợ Trung Quốc chứ chẳng riêng gì chúng ta. Sợ để biết mà cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc, chứ không phải sợ đến mức mấy năm trước có chú hội trưởng sinh viên Việt Nam gì ở Đức yêu cầu anh em sinh viên phải “kiềm chế” khi gặp các bạn Tàu (dù chỉ là bóng đá giao hữu) để tránh “phương hại” đến quan hệ giữa hai bên. Mình không dám nói nó ngu, vì chưa chắc đấy là ý kiến của nó, có khi nó cũng đã được quán triệt ở chỗ bỏ mẹ nào đó, nhưng mà đúng là hèn, hèn đến mức không còn gì để nói.
Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét