Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

SỰ TRỞ VỀ

Võ Phiến, nhà văn chống Cộng nổi tiếng, người được xếp đầu trong quyển Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đã có một cú trở về Hà Nội đầy ngoạn mục. Nhà sách Nhã Nam vừa xuất bản tập tùy bút Quê hương tôi, vốn là tập tùy bút Đất nước quê hương và một số bài tùy bút khác của Võ Phiến, dưới cái tên Tràng Thiên. Tràng Thiên được biết là một bút danh khác của Võ Phiến, nhưng không được biết rộng rãi trong công chúng. Tập Quê hương tôi này giấu rất giỏi vết tích của Võ Phiến, hầu như không thể nhận ra, trừ những ai đã từng đọc Võ Phiến. Lời tựa của Nguyễn Hiến Lê vốn có trong nguyên bản Đất nước quê hương, được Nhã Nam trích vào tay sách đầy dấu ba chấm: "Chúng ta gặp lại tài nhận xét tinh vi, miêu tả sắc bén (...). Mấy trang (...) tả cách nấu, rót và uống chè Huế làm ta liên tưởng đến Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân: nghệ thuật không kém mà (...) có hương vị của quê hương hơn. Nhưng đoạn (...) tả một chủ quán ăn bình dân ở Cần Thơ, đọc mới thấy mê.". Mấy dấu ba chấm này có vẻ là câu khách hay biên tập bóp méo văn phong của Nguyễn Hiến Lê hơn là che giấu gốc tích Võ Phiến. Nguyên văn Nguyễn Hiến Lê viết: "Trong tập Đất nước quê hương này, chúng ta gặp lại tài nhận xét tinh vi, miêu tả sắc bén của ông trong tiểu thuyết. Mấy trang ông tả cách nấu, rót và uống chè Huế làm ta liên tưởng đến Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân: nghệ thuật không kém mà lại dí dỏm hơn, nhẹ nhàng hơn, có hương vị của quê hương hơn. Nhưng đoạn ông tả một chủ quán ăn bình dân ở Cần Thơ, đọc mới thấy mê.". Nhã Nam cũng cho biết có in 100 bản đặc biệt có chữ ký của tác giả. Như vậy Võ Phiến hoàn toàn biết và ý thức được tập Quê hương tôi được Nhã Nam xuất bản ở Việt Nam.

Sự trở về của Võ Phiến không âm thầm nhưng cũng không ồn ào. Một đặc điểm rất lạ. Chưa thấy những tay chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng vung bút. Nhớ lại mấy năm trước, khi mấy tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu được xuất bản ở Sài Gòn, mấy chiến sĩ canh mặt trận văn hóa tư tưởng có ngay mấy bài đả phá. Lác đác đã thấy có những bài điểm sách giới thiệu về tập tùy bút Quê hương tôi này. Như vậy sự trở về không phải là âm thầm, không phải là "huyền hạc quy lai kỷ cá tri", chỉ chưa đến mức trống giong cờ mở ca khúc khải hoàn, và không biết có phải là một cuộc trở về lớn lao sau những bôn ba và thăng trầm của lịch sử. Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê cho biết Võ Phiến, Vũ Hạnh từng cộng tác với nhau ở tạp chí Bách khoa. Sau những thăng trầm đấy, không biết, giả sử như họ gặp nhau thì câu đầu tiên họ nói với nhau là gì? Và có khi lịch sử vị tất đã có những cuộc gặp gỡ như thế. Phôi pha.

Tại sao lại có tên "Quê hương tôi"? Phải chăng đó là một chỉ dấu cho sự đầu hàng vô điều kiện của một kẻ chống Cộng phiêu bạt không quê hương khi đã xế bóng gần trời xa đất? Thương thay cũng một kiếp người / Sống nhờ hàng xứ chết chôn quê người. Không có một quê hương tôi!

PS:
Danh hiệu "nhà văn chống Cộng" của Võ Phiến không phải chỉ do quyển Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng phong. Trong tập Văn học miền Nam của Võ Phiến, chính Võ Phiến đã dẫn lại nhận định của Nguyễn Mộng Giác: "Sau hiệp định Genève, trào lưu văn học chống cộng phát triển mạnh mẽ ở Miền Nam Việt Nam, những ban chủ biên nòng cốt của các nhóm, các tạp chí hầu hết là phái nam. Nếu kể tên những cây bút quan trọng của giai đoạn này như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan... chúng ta ít có nhà văn nữ nào hiện diện. Từ 1960 về sau, một lớp nhà văn trẻ xuất hiện trên các tạp chí Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Khai Phóng, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn Học, Văn, Bách Khoa, và đa số đều là nhà văn nam: Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Nhật Tiến, Duyên Anh, Ngô Thế Vinh, Dương Kiền... vẫn là nam giới đóng vai chủ động.". Võ Phiến còn viết tiếp: "Trước 1954, bên này đánh nhau với bên cộng sản bằng bom đạn tơi bời mà không có một thành tích văn nghệ chống cộng. Trái lại, phải chờ tiếng súng ngưng lại, khi ta có lớp người từ phía bên cộng sản về, khi ấy mới có phong trào chống cộng trong văn nghệ. Và phong trào ấy chắc chắn là đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ văn nghệ hãy gọi là trung niên, thế hệ trưởng thành trong kháng chiến mà khai bút sau ngày đình chiến."

[Lưu ý: Nguyễn Mộng Giác cũng đưa tên Võ Phiến lên đầu, lên trước Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo... Nếu có gọi Võ Phiến là tiên chỉ của nhóm nhà văn chống Cộng cũng chẳng sai chút nào. Không biết liệu mai sau có người sẽ viết về lịch sử văn học như thế này không: Trước năm 2010, văn chương hải ngoại chuyển lửa về quê không có một thành tích nào. Phải chờ đến khi xuất hiện các nhà sách không do nhà nước độc quyền khống chế như Nhã Nam, Phương Nam... các tác phẩm của các nhà văn chống Cộng mới được xuất bản. Lúc đầu là các tác phẩm về quê hương, đất nước, không có các yếu tố chống Cộng lộ diện, sau đấy là .... Ôi không biết giấc mộng năm nao "Có một ngày ta về lại cố đô / Lưỡi lê say máu rửa Tây Hồ / Trên cao chí sĩ giơ tay vẫy / Đại định Thăng Long một sắc cờ" có còn là giấc mơ hôm nay của những con người hôm xưa đấy?]

PPS:
Tôi không có ấn bản đặc biệt Quê hương tôi có chữ ký của Võ Phiến. Nhưng blogger Nhị Linh có. Theo blogger Nhị Linh, chữ ký của Võ Phiến là chữ ký tươi, không phải là chữ ký sao chụp. Ngoài ra, chữ ký của Võ Phiến không ở trang mặt như vị trí thông thường ký tặng sách, mà ở trang sau, nơi ghi thông tin về quyển sách, bản quyền.
 
Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét