Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Vaclav Havel và Kim Jong-il


Havel và cách mạng Nhung.
Vài tuần qua có hai cái chết của hai người nổi tiếng: Vaclav Havel, cựu tổng thống Tiệp Khắc và Kim Jong-il, Chủ tịch Bắc Triều tiên. Một nước chỉ đốt nến để tỏ lòng thương tiếc, quốc gia kia tràn đầy nước mắt, khóc vị lãnh tụ vĩ đại.
Vaclav Havel – nhà viết kịch kiêm chính trị gia
Sinh năm 1936 trong một gia đình giàu có ở Tiệp Khắc và được coi là “quá tư sản” bởi chính quyền Tiệp Khắc sau này (1945-1989) và Havel phải học thêm vào buổi tối.
Những tưởng mùa Xuân Prague thành công dưới sự lãnh đạo của Alexander Dubcek, Havel sáng tác những vở kịch chế giễu chế độ thời bấy giờ. Nhưng xích sắt xe tăng Liên Xô đã nghiền nát tất cả.
Ông bị cấm viết và soạn kịch sau đó, thường xuyên bị sách nhiễu và vài lần bị bỏ tù.
Cách mạng tháng 12-1989 đã đưa ông lên làm Tổng thống. Havel có công lớn trong chuyển đổi chế độ mà không đổ một giọt máu. Có lẽ vì thế mà gọi là cách mạng Nhung 1989. Cách mạng mầu có từ đó.
Việc đòi độc lập giữa dân Séc và Slovakia đã đưa đến việc phân chia Tiệp Khắc thành hai quốc gia vào năm 1993.
Havel tiếp tục làm Tổng thống Séc. Với lý do sức khỏe vì một phẩn phổi bị cắt do ung thư, ông đã từ chức năm 2003 và tiếp tục nghề viết của mình.
Nhà viết kịch Havel trong vai tổng thống cũng không tồi và tổng thống đi viết kịch cũng không đến nỗi nào. Trong ông được cả hai, nghệ sỹ và chính trị gia đi liền với nhau, nơi nào ông cũng có hàng triệu người hâm mộ chào đón.
Từ người tù trở thành Tổng thống thì Nelson Mandela, Phidel Castro, Havel có số phận khá giống nhau, nhưng việc đưa đất nước về đâu sau đó, mỗi người có cách đi riêng của mình,và sự kính trọng của nhân loại cũng khác nhau.
Kim Jong-il – Chính trị gia kiêm nhà viết kịch
Trang BBC Vietnamese có hẳn một bài về cuộc đời của ông Kim, như các báo khác đã đưa. HM xin tóm tắt  để làm tư liệu cho blog.
Chế độ cha truyền con nối.
Năm 1994, khi lên kế nhiệm cha Kim Nhật Thành, chưa ai biết nhiều về Kim Jong-il bởi người ta đào tạo bí mật một nhà lãnh đạo.
Những người đã từng tiếp xúc với ông nói ông Kim là người biết nhiều thông tin và theo dõi tình hình quốc tế một cách chặt chẽ.
Một số người cho ông là biết cách điều khiển người khác, và sẵn sàng mạo hiểm để duy trì quyền lực.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright nói ông Kim Jong-il “rất uy quyền”.
Tại Bắc Triều Tiên, ông được coi như một anh hùng, và được nhân dân coi như thần thánh theo đúng kiểu lãnh đạo chuyên chế.
Sử sách Bắc Hàn ghi rằng ông được sinh ra trong một túp lều và khi ông ra đời, trên bầu trời hiện ra chiếc cầu vồng rực rỡ cùng một ngôi sao chói sáng.
Báo chí Bắc Hàn viết, ông viết sáu vở nhạc kịch trong vòng hai năm, và đã thiết kế một trong các địa chỉ nổi danh nhất Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nước ngoài thì ông Kim sinh ra gần thành phố Khabarovsk của Nga khi cha ông Kim Nhật Thành, lúc đó đang lãnh đạo phong trào dân quân dưới sự hỗ trợ của quân đội Xô viết.
Kim Jong-il luôn trung thành với chủ nghĩa Mác Lê mà cha ông từng theo đuổi. 
Ông kiên trì thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân cho dù bị quốc tế phản đối. Ông cũng kiên quyết phát triển và thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa với tầm che phủ vươn tới các thành phố của Hoa Kỳ.
Tất cả những điều đó khiến Kim Jong-il bị thế giới coi như một người liều lĩnh và độc đoán, còn đất nước Bắc Triều Tiên thì bị cô lập và xa lánh.
Dân Hàn Quốc được báo chí mô tả ông Kim như một người hào nhoáng, một tay chơi với mái tóc bồng và giày đế cao để trông có vẻ đường bệ hơn.
Nhiều bằng chứng cho thấy thực ra ông Kim chắc không ngớ ngẩn như các phương tiện truyền thông Nam Hàn thích dựng lên, tuy tính thích ăn ngon mặc đẹp thì có lẽ là đúng.
Konstantin Pulikovsky, một nhân viên chính phủ Nga được phân công tháp tùng ông Kim trong chuyến thăm Nga bằng tàu lửa của ông, nói người ta chuyển tôm hùm sống bằng phi cơ tới cho vị lãnh tụ Bắc Hàn này mỗi ngày và ông ăn cơm bằng đũa bạc.
Bản thân ông Pulikovsky được lãnh tụ Kim mời uống sâm panh, vây quanh là một đội ngũ nhân viên nữ “đẹp và thông minh tuyệt trần đời”.
Ông Kim Jong-il được nói đã uống cạn 10 cốc rượu vang trong cuộc gặp lịch sử năm 2000 với Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae-jung. Ông còn được cho là thích rượu cô nhắc Hennessy VSOP.
Ông Kim Jong-il yêu điện ảnh tới mức cuồng tín, sưu tầm tới 20.000 bộ phim Hollywood và thậm chí còn viết một cuốn sách về điện ảnh. Người ta đồn rằng cô đào Elizabeth Taylor là diễn viên được ông yêu thích nhất.
Ông cũng đã tới thăm xưởng phim nhà nước hàng trăm lần, và đã sản xuất một bộ phim dài 100 tập nói về lịch sử Bắc Triều Tiên.
Sự so sánh
Cùng qua đời do bệnh tim và phổi, hai vị trí quan trọng nằm khá gần nhau trong lồng ngực.  Đều yêu văn hóa nghệ thuật, nghiện thuốc lá, uống rượu và cùng có vẻ tay chơi.
Đốt nên tưởng niệm Havel
Không thể biết số người hâm mộ Havel nhiều hơn Kim hay ngược lại. Chỉ biết báo chí mấy ngày này, toàn chạy tít Havel và Kim, hai chữ cái K-H đứng liền nhau.
Havel về vườn rồi mất. Kim làm cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Đều là chính trị gia và nhà viết kịch theo một nghĩa nào đó. Havel viết kịch và sau trở thành chính trị gia, rồi quay về viết kịch. Ông trở thành Tổng thống do cuộc nổi dậy từ đường phố.
Kim là chính trị gia được đào tạo bí ẩn, rồi quay sang viết kịch, vừa sáng tác vừa lãnh đạo đất nước. Lên làm chủ tịch theo truyền thống cha truyền con nối.
Tiệp khắc bị chia làm hai trong thời của Havel. Trước Kim và sau Kim, hai miền Triều tiên vẫn bị chia cắt.
Havel thích sự chuyển đổi trong hòa bình. Thay vì thống nhất Tiệp Khắc, Havel đồng ý cho Séc và Slovakia chia đôi quốc gia này mà không tốn một giọt máu.
Để thống nhất hai miền Triều Tiên và răn đe thế giới, Kim thích dùng tên lửa dọa nạt, sẵn sàng nổ súng kể cả bom nguyên tử. Hoa Kỳ cũng phải vô cùng kiềm chế. Nền ngoại giao nguyên tử do chính Kim tạo nên.
Cộng hòa Séc có diện tích khoảng 78.000km2, 10 triệu dân, GDP (nominal) 192 tỷ, bình quân đầu người là 18.288$/người.
Bắc Triều tiên với diện tích 120.000km2, 24 triệu dân, GDP 28 tỷ, bình quân đầu người là 1200$.
Havel mất đi, dân Séc chỉ thắp nến, không thấy tivi đưa tin hay ảnh ai đó khóc. Người Tiệp Khắc lặng lẽ tiếc thương. Nước mắt nhiều chả chứng minh được lòng người.
Kim ra đi, dân khóc hơn cả cha chết. Họ thực sự chảy nước mắt hay nghĩ mình phải ra vẻ như thế, đó là câu hỏi lớn của các nhà báo khi bàn về quốc gia đầy bí ẩn này. Phải ở trong đám đông giữa quảng trường Bình Nhưỡng mới viết chính xác được.
Nước mắt có thể làm tắt nến và nến đôi lúc làm khô nước mắt, tùy thời, tùy người, và tùy nơi.
Nhưng rõ ràng nước mắt và nến đều thể hiện sự chia sẻ nào đó. Sự chân thành do trái tim của người đốt và tuyến lệ nhiều ít của từng cá nhân.
HM. 20-12-2011.
Bài trên Hiệu Minh Blog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét