Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Nhân chuyện thầy Dương “văng tục”


Chưa bàn đến những khía cạnh khác của việc “văng tục”, nếu chỉ xét nó ở khía cạnh là một loại “ngôn ngữ  đặc biệt” so với các dạng ngôn ngữ thông thường thì việc sử dụng nó một cách phù hợp tất phải trong các ngữ cảnh có tính đặc thù.
Ngữ cảnh đặc thù, nếu nói cụ thể hơn, là 100% đối tượng người nghe hoặc thực hiện trao đổi bằng  loại “ngôn ngữ đặc biệt” ấy phải hoàn toàn hiểu, có khả năng tiếp nhận được thứ ngôn ngữ đó và tình nguyện sử dụng nó (đấy là chưa cần nói đến việc thích thú hay vui vẻ).
Chẳng hạn, nếu so sánh hơi khập khiễng một chút với việc “nói tục”, thì có thể coi… tiếng Anh là  “ngôn ngữ đặc biệt” đối với những người không thể hiểu và tiếp nhận tiếng Anh. Vì vậy, nếu trong các cuộc hội thảo có 100% là người Việt (hoặc 100% là người Nhật) mà sử dụng tiếng Anh (trừ trong các lớp học tiếng Anh hoặc trừ khi tất cả mọi người tham dự  đều nhất trí dùng tiếng Anh để tranh thủ rèn luyện thêm kỹ năng về ngôn ngữ này )  thì việc sử dụng “ngôn ngữ đặc biệt” đó là không phù hợp với ngữ cảnh, nói nôm na là không đúng chỗ hoặc có thể được cho là kệch cỡm, là khoe khoang trình độ ngoại ngữ… Nhưng nếu trong một cuộc hội thảo có 99 người Nhật và 1 người Việt và họ không hiểu tiếng của nhau nhưng cả 100 người này đều hiểu tiếng Anh thì trong ngữ cảnh đó cả tiếng Nhật và tiếng Việt đều là những “ngôn ngữ đặc biệt” vì có ít hơn 100% số người có thể hiểu được và sẵn sàng tiếp nhận chúng, và trong điều kiện ấy, tiếng Anh – một ngôn ngữ đặc biệt đối với cả người Việt hoặc người Nhật lại trở thành ngôn ngữ phổ thông của 100 người- vừa- Việt- vừa- Nhật ấy. Trong ngữ cảnh đó nếu diễn giả chỉ sử dụng tiếng Nhật với lý do là thỏa mãn số đông (99%) thì lý do ấy là thiếu tôn trọng người khác (dù họ chỉ chiếm 1%). Như vậy quy luật số ít phục tùng số đông không nên được áp dụng ở đây.
Trở lại chuyện “văng tục” của TS Lê Thẩm Dương,  ngoài những ý kiến khen hay chê của các cư dân mạng nặc danh hoặc các học giả có tên ở trong và ngoài nước thì chưa thấy xuất hiện bất kỳ sự chỉ trích nào từ các “học viên” đã tham dự buổi “giảng bài” ấy của TS Dương. Nhưng nếu trong cuộc hội thảo ấy, nếu chỉ cần 1 người không chấp nhận những lời văng tục ấy thì ông Dương phải thay đổi cách nói để cả 100 người đều có thể chấp nhận chứ không thể chỉ chiều lòng 99 người khác thích nghe nói tục. Nhưng rõ ràng là cả 100% số học viên trong “buổi học” ấy đều chấp nhận cách nói của thầy Dương.
Xin đừng vội cho là người viết bài này khen ngợi hay cổ vũ cho cái sự “văng tục” của của ông Dương. Vấn đề là ông Dương đã nói những “ngôn ngữ đặc biệt” ấy ở những đâu. Người ta không nghe thấy ông Dương nói thế khi ông trả lời phỏng vấn trên TV, có lẽ vì ông thừa biết rằng trong hàng triệu người thường xuyên theo dõi TV không phải ai cũng thích nghe nói tục hay hiểu được tiếng của… “dân tộc Tục”. Cũng chưa có ai phản ánh việc TS Dương văng tục tại các buổi lên lớp chính thức bắt buộc đối với sinh viên (vì là bắt buộc đối với sinh viên nên người thầy cũng phải chịu những ràng buộc và phải tuân theo các chuẩn mực nhất định, nếu sử dụng các “ngôn ngữ đặc biệt” trong hoàn cảnh này thì phải cẩn trọng hơn so với trong các ngữ cảnh khác, tốt nhất là không dùng).
Đằng này, nếu theo dõi toàn bộ cái video clip ấy thì có thể thấy đây là một cuộc nói chuyện trong một không khí khá thoải mái và hoàn toàn tự nguyện mà đối tượng là những người đã trưởng thành, trong khi những người phê phán thì lại cứ cố gán ghép nó vào những ngữ cảnh có tính chính thống hơn, chẳng hạn như đã giảng bài trên giảng đường cho sinh viên thì phải thế này thế nọ thế kia trong khi đối tượng người nghe lại không phải sinh viên, khung cảnh trong video clip cũng không  hẳn là một cái “giảng đường”. Còn xét trên khía cạnh kiến thức của bài giảng thì ý kiến của học viên mới là quan trọng nhất.  Những ý kiến, kể cả của các vị giáo sư hay tiến sĩ khác cho rằng họ thấy “chẳng học được cái gì” khi nghe cái video clip ấy ít quan trọng hơn so với ý kiến của các học viên trực tiếp tham dự rằng họ có tiếp thu được gì không. Việc một người nào đó bảo chẳng tiếp thu được gì, cho dù người đó là giáo sư tiến sĩ, cũng không có nghĩa là những người khác sẽ không có khả năng tiếp thu được cái gì đó mà họ cho là thú vị hay bổ ích. Mặt khác thì thực tế cho thấy khả năng tiếp thu cũng không nhất thiết tỉ lệ thuận với mức độ học vị hay bằng cấp của người nghe, rằng cứ một ông giáo sư hay tiến sĩ nào đó không tiếp thu được cái gì đó thì ắt là những “người thường” lại càng không thể. Một số người khác thì chỉ ra một số những thông tin không có căn cứ (chẳng hạn như việc ông Dương nói phụ nữ đóng góp vào việc tăng 5% GDP hoặc những tiểu tiết có tính tếu táo khác) để lo xa cho các học viên rằng họ đang tiếp thu những kiến thức sai lạc từ ông Dương. Mệt thật! Tôi ít nghĩ rằng mấy ông bà học viên đã trưởng thành này chỉ vì nghe buổi nói chuyện này của thầy Dương mà kiến thức sai lạc hết cả – những người này đã đi học hàng chục năm trời  thì nếu kiến thức đã sai lạc hay chắp vá thì đã sai lạc hay chắp vá từ lâu rồi (đấy là chỉ nói “nếu” thôi nhé), là kết quả của cả một nền giáo dục chứ không phải chỉ vì cái câu chuyện vui vui này của TS Dương. Lo xa cho họ thì cũng tốt nhưng nếu lo xa quá thì không khéo “cầm đèn chạy trước ô tô”, là coi thường “khả năng thẩm định” của họ đấy. Tôi đã từng là người đi nghe những “buổi học” giống như thế này nên tôi biết là không phải cứ diễn giả nói cái gì thì ở dưới người ta cũng tin là thật cả đâu!
Tất nhiên, đối với những người không thích nghe nói tục thì những điều ông Dương nói là phản cảm. Đấy là xét đến khía cạnh văn hóa và đạo đức. Nhưng như phần trên tôi đã nói, tất cả những người phê phán ông Dương “văng tục” đều không phải là học viên đã trực tiếp đến nghe ông Dương giảng bài. Như vậy có thể nói là 100% những người  nghe ông Dương giảng là những người có thể “tiêu hóa” được những lời “văng tục” của ông và trong khuôn khổ hẹp đó thì những câu văng tục của ông không phải là một thứ “ngôn ngữ đặc biệt” . Cũng không có bằng chứng cho thấy ông Dương muốn mở rộng đối tượng người nghe ra một phạm vi rộng hơn (việc cái video clip ấy xuất hiện công khai trên mạng không phải là do ông chủ xướng hay thực hiên).
Văng tục, chửi thề, không thể nói là hay hớm gì để đáng phải cổ xúy mặc dù điều này có thể hiểu được khi đặt nó trong một tâm lý xã hội có “tính thời đại” trên một nền tảng đạo đức và văn hóa khá thảm hại hiện nay, khi mà người ta đã chán ngấy với thói đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo…  Nhưng đó là cả một câu chuyện dài khác.
Dù sao, việc góp ý với TS Dương nên tiết chế bớt những câu chửi thề khi tình cờ nghe thấy cái video clip ấy không phải là không cần thiết. Và thầy Dương chắc là cũng rút được ra nhiều kinh nghiệm qua “sự cố” này.
Nhưng thú thực là dù cũng có lúc muốn chê ông Dương điều này điều kia sau khi nghe cái video clip ấy nhưng cứ mỗi khi định mở miệng thì người viết bài này lại kiềm chế được vì cứ cảm thấy… vô duyên thế nào ấy nếu nói ra, vì nghĩ rằng cái bài giảng ấy đâu phải là giành cho mình mà mình thì cũng chỉ là là cái thằng nghe trộm được. Cũng giống như người ta đã chẳng mời, đã cố tình đóng cửa nói chuyện vui vẻ tếu táo với nhau mà mình thì… mẹ… lại  cứ cố tình nghe rồi săm soi câu chữ của người ta, đã nghe “chùa” không mất tiền mà lại còn ý kiến ý cò thế này thế khác, cứ cảm thấy bậy bậy thế nào ấy khi mà mình đã đi nghe … bậy rồi lại bảo là người ta nói bậy… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét