Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

TRINH TIẾT TRONG ĐỀ THI


Một bạn đọc hỏi tôi rằng ở bên Úc người ta có ra đề thi với một câu hỏi có nội dung dục tính (sex) như câu hỏi về trinh tiết trong đề thi tuyển sinh của ĐH FPT. Câu trả lời là “có”. Một câu hỏi như thế có thể xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp trung học bên Úc. Riêng đề thi của FPT thì tôi đã xem qua, và nghĩ cũng … bình thường. Thật ra, theo tôi thì câu hỏi không hay, thiếu tính logic, và văn phong có vấn đề. Nếu tôi được quyền soạn lại câu hỏi, tôi có cách soạn khác …
Thú thật, mấy hôm nay cũng có xem qua các tựa đề bản tin trên mạng, và biết đượcrằng dư luận bàn tán về một câu hỏi trong đề thi tuyển sinh của ĐH FPT. Nhưng vì không quan tâm, nên chỉ đọc tựa đề và … bỏ qua. Đến hôm nay, có một bạn đọc hỏi tôi rằng bên Úc người ta có thể ra một đề thi như thế, thì tôi mới tìm đọc đề thi gây xôn xao dư luận đó. Để cho công tâm, tôi không đọc ý kiến của những người khác, và sẽ có nhận xét cá nhân. Câu hỏi trong đề thi tuyển sinh của ĐH FPT như sau:

Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:

Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh
Nhưng chính ông lại cũng viết:
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.
Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải gìn giữ trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người phụ nữ còn trinh hay không?
Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Trước hết, tôi nghĩ câu hỏi mang tính đánh đố, không dễ đối với học sinh trung học phổ thông. Không dễ là vì khó hiểu được quan điểm của Nguyễn Du về trinh tiết như thế nào. Chẳng hạn như 4 câu thơ trên có thể hiểu như thế nào? “Có ba bảy đường” là nghĩa gì? “Có khi biến, có khi thường” là sao? Lại còn “Có quyền, nào phải một đường chấp kinh” càng làm cho học sinh thêm rối rấm. Chắc gì một giáo viên hiểu bốn câu thơ đó có nghĩa gì. Còn câu “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu” nên hiểu như thế nào, và trong bối cảnh nào. Thế nào là “làm đầu”, và “làm đầu” cái gì? Nếu không hiểu thì làm sao có thể biết quan điểm của Nguyễn Du là gì mà bàn luận. Đáng lẽ người soạn câu hỏi phải giải thích trước khi hỏi các câu khác về quan điểm, nhưng rất tiếc không có giải thích. Vì thế, theo tôi thấy, đây là câu hỏi tương đối khó.
Thứ hai là câu hỏi hình như thiếu tính logic. Câu hỏi được khởi đầu bằng vài câu thơ, rồi tiếp theo là nói về quan điểm “ngày xưa”. Vấn đề ở đây là người đọc không thấy một sự khúc chiết hay kết nối từ những câu thơ và những câu văn sau đó (vd: quan điểm xưa). Tôi tự hỏi tại sao người soạn câu hỏi cần những câu thơ của Nguyễn Du? Tại sao không bắt đầu câu hỏi bằng câu chuyện vềcô dâu ở Cần Thơ bị trả về nhà vì nghi ngờ thất tiết trước hôn nhân.
Thứ ba, tôi nghĩ câu hỏi không mấy rõ ràng, và có phần lòng vòng. Đứng trên phương diện khoa học mà nói, hai chữ “ngày xưa” không rõ ràng, vì đó là ngày nào, thế kỉ 18, hay thế kỉ 20. (Thật ra, quan điểm đó vẫn còn đến ngày nay, chứ đâu phải chỉ ngày xưa). Tương tự, có thể chất vấn ý nghĩa của chữ “ngày nay”. Còn câu “vấn đề này” cũng không rõ ràng, vì người đọc phải hỏi “vấn đề nào”? Ngoài ra, câu hỏi còn có vẻ quanh co. Chẳng hạn như đoạn bắt đầu với “vậy theo bạn …”, nhưng đoạn kế tiếp mới yêu cầu học viên làm cái gì. Đáng lẽ hai đoạn này có thể viết thành một đoạn văn.
Thứ tư là việc “mớm cung” cho học viên một cách thiếu thoả đáng. Người ra đề thi cho học viên biết có thể dùng những ví dụ từ sách báo và quan sát trong cuộc sống để làm chứng cứ và cơ sở cho quan điểm của học viên. Tôi phải hỏi tại sao chỉ trong sách báo? Tại sao không là các nguồn khác, như internet chẳng hạn? Thật ra, tất cả đều có thể sử dụng làm chứng cứ; vấn đề là chứng cứ nào đáng tin cậy và hợp lí. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quan trọng, vì có vẻ hơi thừa đối với những học viên đã học cách viết luận văn.
Thứ năm, tôi thấy văn phong trong câu hỏi có phần thô kệch. Nếu tôi là người ra đề thi, tôi sẽ không sử dụng những chữ như “cái màng trinh”, đọc lên thiếu tính trang nhã, nếu không muốn nói là thô tục. Thật ngạc nhiên khi thấy một chữ như thế dùng trong một đề thi tuyển sinh!
Nếu tôi là người ra đề thi, tôi sẽ dùng bản tin thời sự để nhấn mạnh đếnvấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, và bỏ qua những “ngày xưa” hay “ngày nay”. Tôi sẽ viết lại như sau:

Trinh nguyên và hôn nhân
[Bản tin về cô dâu T ở Cần Thơ]
Có quan điểm cho rằng phụ nữ cần phải “nguyên trinh” trước khi chính thức kết hôn để đảm bảo hạnh phúc và sự thành công của một cuộc hôn nhân. Theo quan điểm đó, quan hệ tình dục trước hôn nhân là một sự “thất tiết”, và phụ nữ thất tiết dễ dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Thời phong kiến, phụ nữ thất tiết có thể bị đem trả về gia đình.   Câu chuyện của bạn T ở Cần Thơ thể hiện quan điểm trên.
Hãy viết một bài luận để phát biểu quan điểm của bạn về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bài luận văn của bạn nên bàn về những vấn đề cụ thể như:
  1. ý nghĩa của hôn nhân giữa người nam và nữ là gì?
  2. phụ nữ có nhất thiết phải gìn giữ trinh nguyên trước hôn nhân? Nam có cần giữ sự nguyên trinh trước hôn nhân? Tại sao?
  3. hạnh phúc và sự thành công của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào sự trinh nguyên của người phụ nữ trước hôn nhân? Lí giải tại sao.
  4. phụ nữ có phải là một món hàng để bị trả về gia đình nếu bị thất tiết trước hôn nhân?
Bạn nên sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn, kể cả từ báo chí và internet trong và ngoài nước, để làm cơ sở cho quan điểm của bạn.

Quay lại câu hỏi của bạn đọc rằng một câu hỏi như thế có trong đề thi ở Úc hay không. Nói theo tiếng Anh, đây là một câu hỏi thuộc chủ đề sexual ethics – có lẽ tạm dịch là đức dục. Ở Úc, không có kì thi tuyển sinh đại học, nhưng có những kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm. Trong những kì thi này, đề thi thường rất bao quát, nhất là những môn học về tôn giáo, văn học, và đạo đức. Có nhiều câu hỏi liên quan đến tôn giáo và đức dục (như đồng tính luyến ái, hôn nhân cùng giới, quan hệ sex trước khi cưới nhau, v.v.) được đề ra. Chẳng hạn như năm 2010, có câu hỏi về đồng tính luyến ái, và gợi ý trả lời như sau:
Christian teachings on homosexuality vary both within and between variants. The Catechism of the Catholic Church emphasises that while homosexual orientation is not an evil in itself, the practice of it is unacceptable as it excludes both a male/female marriage and the possibility of human reproduction.
The Anglican Church’s attitude towards homosexuality varies from a full acceptance to condemnation. These strong variations are accentuating divisions within the Anglican Church globally, leaving the church open to schism.”
Tóm lại, một câu hỏi về đức dục hoàn toàn có thể hiện diện trong đề thi tốt nghiệp trung học hay tuyển sinh đại học. Trong xã hội mở, và trong chiều hướng giáo dục giới tính trong học đường, thì không có lí do gì cấm đoán những câu hỏi dục đức cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi soạn câu hỏi cần nên chú ý đến từ ngữ và nhất là nội dung phải rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét