Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Hoan hô Đỗ Văn Đương


“Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực”.

“Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn"

“Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.

Đó là ý kiến của một ĐBQH trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 13.Hình như có không ít người sợ, không ít người giật mình thảng thốt, ngả ngửa, rụng rời…khi nghe lời phát biểu được cho là của ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM).  Và hình như, có bao nhiêu ẩn ức, muộn phiền từ cuộc sống, người ta mang ra mà trút hết lên đầu Đỗ Văn Đương. Còn với những người có mặt trong nghị trường hôm ấy, được cho là họ…cười ồ.


Mình khác tý, mình lại chọn cách cười khẽ vào cái cười ồ hôm ấy. Cái cười theo lối bầy đàn của cái làng ít bao giờ chịu nghe và tôn trọng những ý kiến lạ tai. Cái làng chỉ dám thuận với đám đông mà đám đông xứ này, chán bỏ mẹ.

Xưa í, thời nào chả rõ, khi một con đàn bà chửa hoang thì cả làng kéo nhau đến cạo đầu, bôi vôi và đuổi ra giữa đồng. Cả làng nhân danh đạo đức (mà có đạo đức khối) để loại trừ cái đứa làm cái điều mà tự đáy lòng mình rất thích, nhưng chả dám. Nay có đứa dám làm thế là lồng lên phỉ nhổ để ra vẻ ta đây cũng đạo đức ngời ngời, cũng tiết hạnh son sắt lắm đây. Từ cái tạm cho là “rẽ trái” của người khác, không thuận với ham muốn của đám đông,  thế là tiện thể lao vào để cấu xé nhằm thỏa mãn những ẩn ức, bức bối, ngột ngạt trong đời sống…Chỉ đêm về thì dâm loàn, loạn tặc chẳng ai bằng. Bảnh mắt ra thì lại rao giảng đạo đức với thanh cao. Cái bản sắc của người Việt nó thế! Tất nhiên xưa thế nay đỡ hơn.

Hẳn là chuyện trong nghị trường nó khác với chuyện ở bờ ao, bụi cỏ. Cứ cho là ngay ngắn hơn tý, nghiêm trang hơn tý nhưng xét trên một góc độ nào đó, cái cốt của người Việt cổ vẫn còn nguyên. Thấy ai đó (hay nghe cái gì) là lạ thì ngồi nhe răng ra cười, như đười ươi. Quan sát của mình, trong rạp chiếu bóng thế nào, nghị trường cũng như thế, không mấy khác gì nhau dù ở cái level ấy, level của đại biểu quốc hội, họ phải khác.

Bất kỳ ai dù chỉ mới nhập môn lý luận cũng sẽ biết, khi muốn đi tìm bản chất của sự vật, hiện tượng nào đó thì phải đặt sự vật, hiện tượng đó dưới nhiều góc độ khác nhau để có được một cái nhìn tổng thể. Như vậy, khi đứng trước vấn đề lạm phát, các đại biểu quốc hội cũng phải đưa ra được nhiều góc nhìn khác nhau. Bằng những quan sát, trải nghiệm của bản thân các đại biểu phải đưa ra được những góc nhìn mới lạ được lập luận một cách thuyết phục. Ngay cả khi nhiều người biết lạm phát đang ở mức rất cao không có nghĩa vấn đề đó không cần phải nhận thêm góc nhìn nào khác. 

Có thể, ý kiến của Đỗ Văn Đương còn thiếu sót chỗ này, thiển cận chỗ kia nhưng thử đặt một câu hỏi ngược, các đại biểu còn lại có phát biểu được điều gì mới mẻ, hay hớm hơn không? Xin thưa là không, toàn những nội dung cũ rích được nhai đi nhai lại trên các mặt báo. Vẫn chỉ là những phát biểu vu vơ, vô thưởng vô phạt, nói sai chả phải, bảo đúng cũng không hẳn, nói ra cũng chả khác gì lúc chưa nói.

Thử hỏi những ý kiến như: “Trong tình hình kinh tế lạm phát như hiện nay thì việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng chủ đạo là chưa phù hợp” (ĐB Nguyễn Tiến Sinh)  hay như: “Lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền bị giảm sút ghê gớm, ngày xưa phát hành tiền thì tính bằng tiền xu, nhưng bây giờ đi chợ tính bằng tiền nghìn, tức là mất giá đến 1.000 lần” (ĐB Nguyễn Bá Thuyền) hoặc“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng chính nhập siêu là nguyên nhân gốc tạo ra lạm phát” (Nguyễn Thị Hoàng Yến) thì ai nói chả được mà phải cần đến đại biểu quốc hội? Ra ngã tư mà hỏi một ông xe ôm chăm đọc báo lúc chỏng khu đợi khách ông còn trả lời vanh vách được nữa kia là… Có nghĩa, các đại biểu của ta chỉ nói đi nói lại những gì đã được đăng trên báo mà báo chí ở ta hay ho không chưa biết nhưng nức tiếng là thứ không đáng tin. Nó chỉ có thể xem là một kênh để đại biểu tham khảo chứ không phải là thứ để bê nguyên đến nghị trường.

Những phát biểu như thế rất dễ được đám đông đồng cảm, chia sẻ bởi nó giống như một cách “thay lời muốn nói” của quần chúng (vốn đang bức xúc, ức chế vì chuyện cơm áo) đến với quốc hội. Và cũng nhờ cái “thành trì” vững chãi đó mà những người phát biểu được an toàn hơn bởi họ dễ dàng được ai đó xếp vào thể loại “đày tớ mẫn cán” và biết nói hộ lòng dân. Nhưng, nếu chịu nghĩ cho một điều gì đó sâu xa hơn cho đất nước thì quốc hội không cần những con người như thế.  Bởi nếu chỉ có thế thì quốc hội chỉ cần đặt vài trăm tờ báo trong nghị trường chứ chả cần phải mời mọc chi ngần ấy con người từ tứ xứ đổ về cho phí cơm, phí của. Không dừng lại ở cái mức hiểu được lòng dân mà cái đại biểu còn phải có tầm nhìn cao hơn báo chí (tạm cho là đại diện của quần chúng). Những ý kiến phải có tính phát hiện, khai sáng chứ không phải là đi nhắc tuồng. Chưa cần biết đúng sai, hợp lý hay chưa hợp lý thì các đại biểu phải dám nói lên cái chính kiến thực sự của mình chứ không phải ăn theo nói leo báo chí vì sợ nói khác đi sẽ bị đập cho tả tơi. Quốc hội cần phải có những cá nhân dám khác lạ hơn một dàn hòa thanh một giọng bằng những “cơ bản tán thành” hay “hoàn toàn nhất trí”.

Đứng trên góc nhìn đó mình chia sẻ với ông Đỗ Văn Đương bởi nếu cũng chịu nói theo cái lối ấy, ông Đỗ Văn Đương hoàn toàn có thể lành lặn trở về nhà mà không hề bị ai ném đá. Có thể cái ý kiến của ông sai bét nhè nhưng đó là góc nhìn thật thà, hồn nhiên của ông chứ không phải là đi cóp nhặt từ đâu đó. Mà nói xin lỗi cái quốc hội Việt Nam giờ đây cần gì hơn những con người như thế!?

Là bởi, thiên hạ cứ đặt mục tiêu phát triển chứ mình thì chả, cứ đứng lại mà tự vấn mình cái đã. Phải biết nhìn lại mình là ai, đang yếu kém ra sao, dốt nát thế nào so với thế giới để thôi đi các giá trị ảo tưởng. Và chỉ khi nào tự vấn xong để biết được ta bệnh tật thế nào thì may ra còn vẽ được phát đồ điều trị trước khi nghĩ đến kế hoạch phát triển bền vững. Và khi tự vấn lại chính mình, người ta cần những đại biểu dám nói thật quan điểm của bản thân. Có dốt cũng đừng giấu để giới quan sát biết trình của các vị đến đâu để còn biết đường mà thay vẫn hơn là một đám hổ lốn, thấp cao lẫn lộn chả biết đường nào mà lần bởi chỉ dám nấp sau lưng báo chí (hay dăm bảy hot blogger tầm mắt chưa ra khỏi lũy tre làng vẫn hung hăng cho mình có tầm nhìn ngang Mỹ)

Đứng ở góc độ đó, mình ủng hộ Đỗ Văn Đương, bất luận sự xối xả của đám người nào đó mà mình cho là u ám.  Và đó mới chính là những bóng ma thực sự đáng sợ.
(Nguồn: hacao.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét