Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Bàn về chữ “biểu tình” và hai bản tin khác nhau

Hai cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Trung Quốc ở Hà Nội và TP. HCM diễn ra ngày 5/6 và 12/6 gây hiệu ứng xã hội khá mạnh mẽ. Báo chí mạng tường thuật từng giờ, truyền được cả  hình ảnh và âm thanh sống động (trang Web anhbasam) khắp cả nước biết (mắt thấy tai nghe). Các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin. Tuy nhiên, ở nơi sự kiện xảy ra, chỉ có Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin. Vài giờ sau đó, các báo chí Nhà nước sao y bản chính, như sau: 

1. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) viết:

“Thực tế sáng ngày 5. 6 có một số người tự phát tụ tập đi ngang qua đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”…

“[…] một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM. TTXVN khẳng định đó là thông tin sai sự thật.”

Chú ý thay vì dùng chữ “biểu tình”, thì TTXVN dùng cụm từ “tự phát tụ tập”.

Trong lúc đó, nhiều báo chí Trung Quốc đưa tin với tựa đề đại thể như sau: 

2. Tân Hoa xã viết: 
越南爆发大规模反华游行抗议“被侵犯”

Phiên âm:

Việt Nam bạo phát đại qui mô phản Hoa du hành kháng nghị "bị xâm phạm"

(Tạm dịch: Việt Nam bạo phát qui mô lớn trong cuộc du hành kháng nghị “bị xâm phạm”để phản đối Trung Hoa).


Tân Hoa xã cũng đểu. Họ nói “bạo phát” (nổi nóng nông cạn), nhưng dù sao họ vẫn nói đúng phần chính (“du hành kháng nghị” tương tự với “biểu tình”.)

Nghĩ cũng lạ, hai chữ” biểu tình” là sản phẩm của Trung Hoa, vậy sao họ phải kiêng cữ? Kể ra Tân Hoa Xã giống người em kết nghĩa TTXVN quá? Có lẽ họ đã quen bao nhiêu năm qua đưa tin “biểu tình” với nghĩa xấu ở các nước tư bản chủ nghĩa. Cố nhiên, có thời chúng ta biết rằng các nước trong khối XHCN không có biểu tình.

Trong một cuộc giao lưu trực tuyến, vị phó tổng biên tập báo CAND hỏi: “Có phải kỷ luật TTXVN về việc đưa tin thiếu chính xác không”? Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ phó BTG trung ương trả lời: “TTXVN đưa tin như thế…cũng được, báo chí nào phê phán là quyền tự do báo chí của họ mà”. Hoan nghênh vị phó tổng biên tập báo CAND sáng suốt đặt ra câu hỏi, nhưng rất tiếc câu trả lời của vị tiến sĩ thì thiếu tính thuyết phục.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao TTXVN tránh chữ biểu tình để mô tả sự kiện ở Hà Nội và TPHCM? Không ai biết lý do đằng sau cách dùng chữ đó, nhưng có thể đặt giả thuyết để giải thích. Một giả thuyết tôi thấy cần xem xét là TTXVN thiếu chữ, không hiểu nghĩa của từ “biểu tình”.
Vậy tôi xin thuyết minh một chút: “Biểu tình” vốn là từ gốc Hán (từ Hán Việt), xin tra từ gốc:
表情 (biểu tình): biểu hiện thái độ, tình cảm có tính công cộng.
Tiếng Anh viết “biểu tình” như sau: demonstration against of (biểu tình chống lại) và demonstration in support of (biểu tình ủng hộ).
Như vậy, “biểu tình” theo ngôn ngữ Tàu, Việt hay Tây đều có cả hai nghĩa: phản đối và ủng hộ.
Có thể TTXVN hiểu rằng “biểu tình” chỉ có một nghĩa “phản đối” nên họ sợ phiền lòng Trung Quốc chăng ?  Nhưng TTXVN đã uổng công rào đón, phủ nhận “biểu tình”. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn cứ giận dữ, vẫn cứ mất lòng. Bằng chứng là Tân Hoa Xã đã mắng mỏ Việt Nam và còn yêu cầu chính phủ Việt Nam “xử lý, giải quyết đám dân chúng biểu tình”.

Thà rằng TTXVN cứ đưa tin trung thực còn hơn. Vì đằng nào chẳng bị Tân Hoa Xã  mắng mỏ, chì chiết. TTXVN thiếu nợ những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn một lời xin lỗi.
Bạn có thể vô trang WEB này (và nhiều trang khác của Trung Quốc)
Và, hãy xem nữ phát ngôn viên bừng bừng nộ khí, mặt hồng nhan tái xanh tái xám nói về “du hành kháng nghị” ở Hà Nội và Sài Gòn. Kèm sau đó là hình ảnh biểu tình sôi sục ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam ngày 12/6.
Xin tặng TTXVN câu tục ngữ của dân tộc Việt Nam:“Thiệt thà là cha quỉ quái”.
Phùng Hoài Ngọc
(Theo nguyenvantuan.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét