Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Eden Center – Một ngày không có tướng Kỳ

Một bài viết thú vị về Nguyễn Cao Kỳ, người vừa mất ngày hôm qua 23/7/2011 trên blog Hiệu Minh .

Tiểu sử: Ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ngày 8/9/1930 tại Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam, từng giữ chức Thủ tướng Chính quyền VNCH trong giai đoạn từ 1965 – 1967 và Phó Tổng thống từ năm 1967 – 1971.
Vào  Quân đội VNCH từ năm 1952, từng kinh qua huấn luyện tại Trường sỹ quan trừ bị khóa I tại Nam Định và huấn luyện tại Trường không quân Marrakech tại Maroc.
Sau năm 1954, gia nhập Quân lực VNCH trong vai trò phi công và sau đó trở thành một trong các sỹ quan chỉ huy ban đầu của không lực VNCH.
Ông Kỳ được thăng hàm Thiếu tướng và trở thành Tư lệnh không quân, đồng thời nắm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng, không lâu sau diễn biến đảo chính năm 1963 lật đổ cố Tổng thống đệ nhất cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm.
Vị tướng hào hoa. Ảnh: AFP
Hôm nay tôi ra Eden Center, một trung tâm thương mại của người Việt ở vùng Virginia, Maryland và cả thủ đô DC, để cắt tóc. Hiệu Hoàng Thơ II lấy 13$/đầu, tip 2-3$, khoảng 15 hay 16$, chỉ cắt, không cạo, không gội.
Trời rất nóng, khoảng 36-38oC, chả khác gì ở Quảng Trị vào trưa hè. Cờ vàng vẫn bay phấp phới. Nhạc đủ loại từ dân ca Nam Bộ đến tân cổ giao duyên, nhạc vàng, nhạc xanh phát ra những chiếc loa của công ty giúp khai thuế, cửa hàng băng đĩa hay bán café làm du khách liên tưởng đang ở giữa Sài gòn. Tiếng dép giầy đi lại loẹt quẹt trên hành lang trải dài, đầy những vết đen của kẹo cao su do khách qua lại nhổ toẹt xuống sàn.

Một bác bán cây cảnh khá đông khách. Cây hoa nhài đơn loại nhỏ bằng vốc tay giá 15$, loại to tăng gấp đôi là 30$. Cây chanh trong chậu nhưa có vài bông hoa giá tới 40$, mua về chỉ lấy lá ăn với thịt gà luộc. Cây bưởi bán 60$. Vài cây ớt giá từ 10 đến 15$. Cuối tuần nào mình ra cũng gặp bác bán ở đó. Kinh tế Hoa Kỳ lao đao nhưng với bác bán cây cảnh này thì tiền bạc thu vào cũng khá.
Mùa này có cây nhài ngoài vườn rất thích, vừa thưởng thức hương thơm, vừa để pha trà, nhớ vị quê hương. Hóa ra với nhiều người tuy sống ở nước người, nhưng tâm hồn lại lênh đênh về với cố hương.
Eden Center có phố, dù phố chỉ dài 20-30m. Có phố mang tên Lê Anh Sơn, anh trai của sếp IT. Nghe nói đại úy Lê Anh Sơn đã tự vẫn khi thấy không bảo vệ được Sài gòn khỏi sự thất thủ năm 1975.
Hồn Việt ở Eden. Ảnh: HM
Tôi tìm mãi chả thấy phố nào có tên Nguyễn Cao Kỳ. Biết tướng Kỳ vừa mất ở Malaysia nên hỏi, sao không thấy treo cờ tang hay tổ chức tưởng niệm vị Phó Tổng thống cuối cùng của VNCH. Tỷ tê với bác thợ cắt tóc thì được biết dân Virginia, Maryland không thích tướng Kỳ vì nhiều lẽ.
Sài Gòn thất thủ năm 1975, ông Kỳ bay trên một chiếc trực thăng ra hạm đội 7 và sau này sang Hoa Kỳ định cư. Khi di tản, gia đình không kịp mang theo gì ngoài ít vật dụng cá nhân như bao người khác trong thời điểm đó.
Theo ông kể, ông đi làm thuê 10 năm đầu khi đặt chân lên miền đất hứa với hai túi rỗng. Nhưng nhiều người giễu cho rằng, làm thế là để che giấu tài sản lớn mà ông có ở nước ngoài.
Từng trong cương vị Phó Tổng thống, Thủ tướng và Thiếu tướng không lực VNCH, ông Kỳ được rất nhiều đàn em mến mộ một vị tướng đàng hoàng, pha chút cao bồi và tính cách anh Hai.
Có lần ông bay ra miền Bắc mà không sợ cao xạ Bắc Việt giống Putin bay vào Chesnia. Tướng dùng cả trực thăng bay sát mái nhà trong xóm nghèo của cô gái mà ông đang tán với mục đích làm le với người đẹp.
Còn nhớ cuốn phim “Việt Nam – thiên lịch sử bằng truyền hình” có ghi lại một phỏng vấn tướng Kỳ trước 30-4-1975. Khi hỏi có ra làm Tổng thống Sài Gòn thay ông Thiệu mới từ chức hay không thì ông cười lớn “Để tôi về hỏi vợ cái đã”.
Ông biết thời thế nên mới đùa như vậy. Đúng là trong đời, vị tướng này luôn biết nhu cương, từng có những câu nổi tiếng như “Việt Cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ, chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam”.
Hoặc nói về cuộc chiến tranh “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.
Năm 1967 lúc đỉnh điểm của cuộc chiến Việt-Mỹ, ông đòi Mỹ ngưng chiến và hô hào đối thoại với Hà Nội. Theo ông, hai miền cần nói chuyện trực tiếp, “không có những kẻ lạ” (without outsiders) vào một th̀ơi điểm chín muồi.
Thần tượng Kỳ dần bị xóa nhòa sau chuyến thăm Việt Nam năm 2004. Từ một chính khách cao cấp, chống cộng và quyết tử thủ Sài Gòn đến cùng, tướng Kỳ quay về cố hương mang theo thông điệp hòa giải dân tộc. Ông kêu gọi người Việt nên hợp tác cho tương lai của đất nước này.
Tướng Kỳ về VN năm 2004. Ảnh: Getty
Trong một phỏng vấn BBC, ông nói  “Những sự mất mát và đau khổ trong cuộc chiến cũng như sau cuộc chiến thì chồng chất nhiều lắm, nhưng cứ quay lại dĩ vãng và uất hận thì chỉ là chuyện của cá nhân mỗi người”.
“Những nỗ lực của cá nhân tôi không phải để giành phiếu, không đi xin tiền, xin chức, lập đảng, lập nhóm với ai cả. Tôi chỉ nói lên cái nhìn của tôi thôi, tâm tư của tôi đối với đất nước. Những lời tôi nói là hoàn toàn vì dân tộc, vì đất nước chứ không phải cho cá nhân tôi”.
Nhưng khi tướng Kỳ về đến Mỹ, và trong một cuộc phỏng vấn khác, cũng nói ”chẳng bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản”, dù ông vẫn đi về VN thường xuyên.
Sau này về VN sống và thỉnh thoảng sang Mỹ nhưng tướng Kỳ không phát biểu với báo chí, truyền thông. Trong nước cũng ít nói về ông, dù ông gặp rất nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam hiện nay.
Hồi hè năm ngoái, mình về Tuần Châu (Hạ Long) với Luck và Bin thì được biết, tướng Kỳ từng có ý định tham gia xây dựng sân golf và đóng góp cổ phần ở đây. Chẳng biết thực hư thế nào.
Chẳng bao giờ gặp ông, chỉ xem DVD Paris by Night có cô MC Kỳ Duyên xinh đẹp và thông minh trong ứng xử, xứng đáng là con nhà danh giá, mà tôi nghe danh tướng Kỳ là bố của MC nổi tiếng đó. Nhìn vào cô, có thể đoán cha mẹ phải có một phông văn hóa Đông Tây nhuần nhuyễn.
Tôi nghe khá nhiều các cuộc phỏng vấn trên đài, tivi. Tướng Kỳ có giọng cuốn hút, thẳng thắn. Khác với rất nhiều chính khách thường dùng phao, với vốn ngoại ngữ Anh, Pháp lầu lầu, không cần phiên dịch, thuốc lá trên miệng phì phèo, đúng kiểu anh Hai Nam Bộ, ông hội đàm với các chính khách quốc tế rất đàng hoàng.
Khi bình luận về phong trào quốc hận, có lần ông bảo đại khái, ngày xưa có cả chính quyền trong tay, được Mỹ ủng hộ với máy bay, tầu chiến, mà chẳng làm gì được cộng sản, nay đã mất hết mà vẫn còn ôm mộng quay về, làm cho dân Việt hải ngoại tức điên.
Đang lan man chuyện tướng Kỳ thì anh thợ cắt tóc nhắc “Xong rồi. Anh xem lại gáy cắt đã được chưa. Xin anh 13$”. May quá, có người nhắc trả tiền và sửa gáy, nếu không sẽ thành nói dài, nói dại. Tôi khen “Chắc anh cắt đẹp, nhưng để hỏi vợ tôi xem đã” khi cố đùa bắt chước tướng Kỳ.
Gặp Tổng thống Johnson năm 1966. Ảnh: internet
Ngoài kia Eden Center vẫn nhộn nhịp mua bán, trao đổi. Trong các quán giải khát đặc kiểu Sài Gòn, nhạc vẫn du dương như chưa từng biết về một nhân vật quan trọng của chế độ Sài Gòn vừa ra đi ở tuổi 81. Không hiểu gót giầy của vị tướng đã nện ở hành lang trong shopping mall này.
Mấy tháng trước là bà Trần Lệ Xuân, nay đến ông Nguyễn Cao Kỳ, và còn nhiều vị khác nữa. Về thế giới bên kia họ mang theo nhiều bí mật của cuộc chiến đau đớn, những bài học lịch sử cho thế hệ sau và cả những giá trị nhân văn cho người Việt, mà đáng ra phải giữ lại bằng mọi cách.
Nếu có cách nhìn khách quan thì cuộc đời họ là những trang sử bi tráng của một dân tộc bị cuốn vào cuộc chiến ý thức hệ và domino cộng sản lầm lẫn.
Ai đó nhắc lại lời tướng Kỳ về VN năm 2004. 30 năm trước ông khóc lần đầu vì rời bỏ quê hương. Trong lần trở về, lần thứ hai trong đời nước mắt lại tuôn ra vì tìm lại được quê hương. Bao nhiêu người sẽ thầm lau nước mắt vào ngày tướng Kỳ được đưa ra nghĩa địa nào đó ở Việt Nam.
Ra khỏi quán cắt tóc, tôi nhìn lên lá cờ vàng ba sọc đỏ bên cạnh lá cờ đầy hoa của Mỹ giữa sân Eden. Quốc kỳ vàng đỏ vẫn bay dù đã là “nguyên” cách đây 36 năm.
Còn ngọn “Kỳ” vang bóng một thời đã đứng lặng bởi mệnh trời, nhưng thông điệp hòa hợp dân tộc của vị tướng gốc Sơn Tây vẫn bay cùng năm tháng.
Xin chia buồn cùng gia quyến của tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Hiệu Minh. 23-07-2011
Eden Center. Ảnh: HM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét