Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

PLAYBOY

Mình thấy mình cũ kỹ lắm rồi í thế mà nhìn xung quanh thấy thiên hạ còn cũ thê thảm hơn. Nào thì sao khoe thân: nghệ thuật hay gợi dục? Rồi nào thì báo chí ta đang theo xu hướng Pờ-lây-boy. Ôi giời, được thế thì đã quý hóa.

Mang nghệ thuật vào mà phán chuyện khoe thân đã buồn cười vì chuyện khoe thân ở đây nó thuộc về giải trí (not nghệ thuật). Còn nói về việc báo chí ở ta đang chạy theo Pờ-lây-boy cũng trật nốt. Có lẽ bà Thế Thanh vừa đi bar về nên đang lâng lâng chăng nên mới bảo tờ tạp chí nào đó ở Việt Nam hiện nay chả khác Pờ-lây-boy. Hẳn Pờ-lây-boy là loại tạp chí “câu” đàn ông bằng sự hở hang của các cô đào nhưng phải hiểu bên cạnh đó nó còn đăng những tác phẩm văn học lừng danh cùng những bài viết liên quan đến chính trị bằng những góc nhìn cởi mở. Thêm vào đó, đào mà chịu hở trên í được nó giả tiền hẳn hòi, thậm chí là giả rất cao. Chúng nó rạch ròi, sòng phẳng và văn minh lắm giời ạ!

Bệnh của báo chí ở ta là cái bệnh tò mò, tọc mạch của nền văn minh lúa nước nhưng luôn tưởng ta mới mẻ, hiện đại chứ chả phải theo xu hướng Pờ-lây-boy nào sất. Báo chí xứ ta thì đại tá giúc mặt vào giường ngủ của Hồ Ngọc Hà để ngửi mùi chăn gối. Báo chí xứ ta thì đi sự kiện để chụp ảnh tùy tiện, chụp từ dưới háng người ta chụp lên, kể cả trẻ em. Báo chí xứ ta là đi rình mò ngực họ rồi về tương lên báo để đo xem ngực ai to nhất. Thế thì Pờ-lây-boy chỗ nào? Pờ-lây-boy có câu khách bằng sự hở hang thì chúng cũng làm ăn đàng hoàng tử tế, cả hai bên đều “ok” thì nó mới chụp chứ đâu có bạ đâu chụp đó rồi chú thích một cách bừa bãi, tùy tiện. Rõ ràng, nếu có giống thì chỉ hao hao ở mặt hình thức chứ về bản chất thì khác hoàn toàn nếu chả muốn nói, báo chí ở ta đi ngược với tiêu chí của họ chứ nếu giống được họ thì mừng quá.

Mấy hôm nay thiên hạ đang thi nhau “ném đá” vào Lý Nhã Kỳ vì em í đã xì ti quá to trong vở kịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên. Mình lại thấy rất bình thường bởi nàng vào vai Julie, một ả gái Tây – người tình của tướng Đờ Cát thì chuyện cổ áo có xẻ hơi sâu cũng chả có vấn đề gì. Võ Nguyên Giáp thì Võ Nguyên Giáp chứ, chả nhẽ cứ động vào cụ thì cả thời đại í mọi người kể cả gái Tây lẫn ta phải mặc áo dài, tay cầm nón lá phẩy phẩy hát múa vu vơ một bài nào đó từa tựa như quê hương là con đò nhỏ, êm đềm khua nước lung lay hay mặc áo tứ thân mà thẻ thọt bài làng quan họ quê tôi thì mới được xem là nghiêm túc, là kính trọng cụ Giáp? Vô lý.

Nữa là, một khi vở kịch nào đó có vấn đề và báo chí muốn hỏi trách nhiệm thì phải đi hỏi đạo diễn nhé! Đạo diễn là người chịu trách nhiệm cao nhất trong một vở diễn thì cái chuyện ăn mặc của diễn viên không phù hợp hay trái với thiết kế thì lỗi lớn nhất vẫn là của đạo diễn vì đã không chuyên nghiệp trong công tác chỉ đạo chứ khổng phải là diễn viên hay nàng họa sĩ phục trang nhé! Đạo diễn ở đây là Nguyễn Quang Vinh, ông Vinh sẽ phải chịu trách nhiệm ở cái khâu này chứ không ai khác cả. Điều đó chứng tỏ, ekip này rất nghiệp dư. Đạo diễn kiểu gì mà họa sĩ thiết kế một đằng, diễn viên may mặc một nẻo vẫn không kiểm soát được rồi vẫn cho diễn ào ào.

Ấy là chưa kể đến tư cách của một ông đạo diễn, mình là gì chả biết nhưng khi làm đạo diễn mà tác phẩm của mình có vấn đề và bị chỉ trích thì trước hết mình lên tiếng nhận trách nhiệm ngay, còn chuyện xử lính ra sao tính sau. Ở đây, đạo diễn im lặng mà hiểu theo một nghĩa nào đó thì sự im lặng ấy là cách chứng tỏ ta…vô can, vỡ chuyện thì bỏ mặc hai ả đàn bà (em Lý Nhã Kỳ và nàng họa sĩ phục trang Đỗ Thu Hiền) chịu trận rồi cãi nhau chí chóe trên mặt báo. Rất khó để gọi khác đó là biểu hiện của cái sự hèn.

Dọc ngang toàn những chuyện đáng chán. 
(Theo blog canhcungxanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét